Cảng của các nhà buôn – chính là dịch nghĩa từ Copenhagen – thủ đô của Đan Mạch, một đô thị ven biển hình thành từ 1167. Và trong số tất cả các “cảng của các nhà buôn”, Nyhavn – nghĩa là “cảng mới” (new harbour), được chú ý nhiều nhất từ ngay khi vua Frederik V cho xây dựng kênh đào Nytory (1670 – 1673) để hình thành nên Nyhavn. Có nhiều lý do khiến Nyhavn nổi tiếng, về mặt giao thông nó là kênh đào nối từ biển đến quảng trường nhà vua (Kongens Nytorv), về mặt lịch sử nó do những tù nhân trong chiến tranh với nước láng giềng Thuỵ Điển (1658 – 1660) đào nên, về mặt văn hoá nó gắn liền với tên tuổi của đại văn hào Hans Christian Andersen – cha đẻ của “chú lính chì dũng cảm”, “nàng tiên cá”, “ngôi nhà cổ”, “cô bé bán diêm”… từng có trên 20 năm sống ở Nyhavn, và Nyhavn cũng là con đường chơi bời khét tiếng nhất Đan Mạch của giới thuỷ thủ sau những hải trình dài lênh đênh. Tất cả những lý do ấy là của ngày xưa, còn bây giờ, chính vẻ đẹp kiến trúc của con phố này mới là sức hấp dẫn khách du lịch tìm đến Nyhavn.
Dọc đường di sản
Ở Copenhagen có hai địa điểm du lịch nổi tiếng nhất, nếu công viên Tivoli được nghĩ đến ngay đầu tiên, thì vị trí thứ hai sẽ dành ngay cho con đường Nyhavn, bởi vì sao? Vì nó được mệnh danh là con đường di sản, vì nó quá đẹp, đẹp từ kiến trúc nằm đôi bờ kênh, đẹp từ những con tàu cổ đang neo đậu, đẹp từ hằng hà sa số những quán bar, quán rượu, nhà hàng, quán càphê trải dài suốt con đường. Chỉ có điều, những trải nghiệm ở Nyhavn thì không bao giờ được đóng dấu độc nhất vô nhị, bởi mỗi ngày, con đường này đón cả ngàn khách du lịch từ khắp thế giới.
Dài chưa đến 500m, nhưng có quá nhiều thứ để miêu tả về Nyhavn. Bờ bắc của kênh đào là các ngôi nhà đủ màu sắc sặc sỡ nằm liền kề nhau, khoác lên mình tấm áo sắc màu đương đại, gây chú ý mạnh và rất… ăn ảnh như vàng, xanh, đào, nâu, hồng phấn, tương phản với vẻ đẹp ấy là những con tàu gỗ cổ xưa đang neo đậu dưới bến nước, tạo cảm giác như đi ngược thời gian trở về thời kỳ hàng hải nhộn nhịp tàu buôn ra vào cảng Nyhavn những năm 1780 – 1810. Bờ nam của kênh đào là những dinh thự khổng lồ, được mệnh danh là nơi cư ngụ của người giàu có như dinh thự Charlottenborg, các căn hộ cao cấp, với vẻ ngoài im lìm nhuốm một màu cổ kính với thời gian.
Nhìn vào chi tiết hơn, các kiến trúc ở Nyhavn hầu hết được xây dựng từ thế kỷ 18 – 19, cổ nhất là nhà số 9 đang giữ ngôi vị là nhà cao tuổi nhất, xây dựng từ năm 1681. Nhưng nổi tiếng và gây chú ý hơn cả là những ngôi nhà mà đại văn hào Hans Christian Andersen từng cư ngụ. Lịch sử con đường ghi lại rằng, từ 1834 – 1838, Andersen sống ở nhà số 20, từ 1845 – 1864, ông sống ở nhà 67, và ngôi nhà 18 được Andersen sống từ 1871 đến cuối đời (1875).
Đi dọc theo Nyhavn từ hướng biển vào đất liền, cuối đường sẽ thấy ngay một mỏ neo lớn, đấy chính là đài tưởng niệm mỏ neo (Mindeankeret), nhằm tưởng nhớ công lao của những lính chiến hải quân và không quân Đan Mạch hy sinh trong chiến tranh thế giới II, và cũng là điểm kết thúc những nét đẹp từ kiến trúc và màu sắc từ các ngôi nhà trên con phố Nyhavn.
Vô tư ở Nyhavn
Ở Đan Mạch, nếu con đường nào được chụp hình nhiều nhất, in trên các tấm bưu thiếp nhiều nhất, và gợi nhớ khách du lịch nhiều nhất, câu trả lời chính là Nyhavn – con đường mệnh danh là có nhiều quán bar nhất ở vùng Bắc Âu. Dân du lịch đến Copenhagen hay bông đùa, nếu ở xứ này bạn bè đi cùng mà lạc nhau, nơi nên nghĩ đến chính là con đường Nyhavn, bởi kiểu gì mọi người rồi cũng sẽ hội tụ về Nyhavn bởi vẻ đẹp và những sức quyến rũ đầy hấp dẫn vốn có của nó.
Người Đan Mạch có từ hygge – nghĩa đại ý là thư giãn và rũ bỏ mọi phiền muộn trong cuộc sống, ngắn gọn hơn có thể hiểu nôm na là “vô tư đi”, và nếu đến Nyhavn, muốn vô tư nhất thì cứ ghé vào không gian một quán bia gọi một ly bia tươi tại những điểm nên đến như nhà số 17 (Tattoo shop), hoặc toà nhà đỏ (Red building) số 20, nơi văn hào Andersen từng cư ngụ và viết những tác phẩm nổi tiếng.
Nếu chỉ nói về bia, Nyhavn đủ những thứ từ tên gọi quen thuộc như Carlsberg, Guld, Kilkenny, Guinness, đến Jacobsen Brown Ale, Tuborg, Somersby, Staropramen, cả những loại bia lạ lẫm như Leffe Brune, Hoegaarden… đều có đủ, nhưng điểm gây ấn tượng mạnh hơn chính là không gian nội thất của các quán xá. Vẻ ngoài kiến trúc các quán bia rượu trông long lanh với manh áo màu sắc, còn bên trong lại rất đầm ấm, với lối trang trí cổ điển, tông màu trầm, rất quý phái, hình thành một đặc sản tại Nyhavn.
Với vị trí toạ lạc ở khoảng giữa của bờ bắc, quán bia số 17 là điểm đến quen thuộc mà ông bạn Toby tôi quen ở Đan Mạch giới thiệu nên đến, chẳng phải vì đấy là nơi hẹn hò của Toby với bạn gái ngày xưa, mà bởi không gian nội thất của số 17 cực đẹp và sang trọng, lại có vị trí sắp đặt ghế ngồi cao hơn mặt đường, nên từ không gian quán có thể nhìn ra dòng kênh ngắm dòng người qua lại và những chiếc thuyền gỗ cổ xưa đang neo đậu bên bến.
Bất kể mùa nào trong năm, dù ngày nắng hay mưa, khô hanh hay gió tuyết, Nyhavn vẫn giữ một nét đẹp quyến rũ. Cũng là những khối nhà liên kế, với kiến trúc cổ từ thế kỷ 17 – 18, nhưng với vài nét chấm phá với lớp sơn của phần mặt tiền, đã thay đổi toàn diện gương mặt của Nyhavn, kết hợp cùng cổ xưa của bến thuyền, sự đầm ấm trong từng không gian quán xá, đã biến Nyhavn trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và kỳ thú nhất ở thủ đô Copenhagen.
Nguồn www.tiepthigiadinh.com.vn