Thời gian gần đây trên báo, đài tỏ ra quan tâm khá nhiều đến tình hình các dự án du lịch ở thị xã La Gi. Suốt nhiều năm qua trong số hơn 40 dự án du lịch trải dài bờ biển 28 km chỉ thưa thớt vài khu du lịch Mỏm Đá Chim, Ba Thật, Đồi Dương, Đất Lành… đi vào hoạt động và chưa đến 5 dự án có động thái xây dựng công trình nhưng chủ yếu san lấp mặt bằng, làm tường rào, lẻ tẻ phần thô vài khối nhà. Cá biệt dự án có tiến độ xây dựng tương đối mạnh là Việt Thuận tại xã Tân Bình nằm chơi vơi giữa dải đất hoang sơ và ngõ cụt.
Từ hai năm qua UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm thúc đẩy các dự án triển khai xây dựng, đi đôi với biện pháp thu hồi. Nhưng lần họp nào cũng làm cho đoàn kiểm tra phải “chần chừ” trước khi đề xuất với tỉnh quyết định đến số mệnh của từng dự án. Có trường hợp đoàn kiểm tra kiến nghị thu hồi nhưng giờ chót dự án được tỉnh yêu cầu rà soát lại vì không phải trì trệ này thuộc về chủ đầu tư.
Những bất cập trong quản lý đất đai
Một thực tế về công tác quản lý đất đai ở địa phương trước đây gần như bị buông lỏng dù đã có quy hoạch cho từng loại đất, địa bàn nhưng chỉ nằm trên giấy tờ. Còn người dân cứ thấy đất hoang hoặc nghe ngóng có dự án, mở đường thì ra sức phát chặt, trồng bạch đàn để ăn theo quy hoạch. Ở khu vực Cam Bình thuộc xã Tân Phước hiện nay có 16 dự án và một khu cộng đồng, trong qui hoạch 3 loại rừng, địa bàn trồng cây phi lao phòng hộ ven biển nhưng từ năm 2003 được chuyển cấp cho các dự án du lịch, rồi mở đường Lê Minh Công nối dài từ Phước Lộc lên, thì đến mùa mưa là ồ ạt từng nhóm người ra quân cày ủi, trồng mì, bạch đàn lấn chiếm thật rầm rộ. Cho đến khi dự án hoàn thành thủ tục cắm mốc, giao đất chính thức thì mới đối đầu cái cảnh trên đất đã có vài chủ hộ đang ngang nhiên “canh tác”. Rồi hội đồng xét tính pháp lý của xã ngồi lại với gần hai chục thành viên, đoàn thể, nhân chứng bình xét cho từng hộ để dự án đền bù hay không. Sự công bằng, khách quan rồi tình cảm xóm giềng khó mà nói được, hơn nữa nguồn gốc thửa đất cần xác minh cách đây gần 20 năm mà bản thân họ có khi là người hậu thế, mới lập nghiệp ở đất này! Thế là trận chiến đơn thư khiếu kiện lên tỉnh lên trung ương. Do sự tự phát chiếm dụng đất, cho nên có người đứng tên cùng nhiều phần đất nằm trên đất dự án phải thương lượng đền bù, thậm chí cách nhau gần nửa cây số. Vì việc bình xét đối với cấp xã không thể đơn giản như vậy nên trước những trường hợp chủ sử dụng đất không chứng minh được tính pháp lý nguồn gốc đất phải thu hồi, thì phải chờ quyết định của thị xã. Nhưng phần ai cũng phải “giữ mình” cho nên có không ít dự án, sau khi xã đã có kết quả tính pháp lý từng hộ rồi mà còn phải chờ cấp thị xã ra quyết định thu hồi kéo dài cho công đoạn rà soát mất trên nửa năm mới xong. Vậy là thêm lý do nữa cho dự án còn được dịp tiếp tục… chậm triển khai.
Lại gặp chuyện đền bù
Thường nghe đến vướng mắc của các dự án là chuyện thỏa thuận đền bù. Cái khó này thường dồn cho xã, phường với cái quyền to tát nhưng không đủ lực để xoay chuyển theo yêu cầu, lại bây giờ rờ vào đâu đều thấy luật, thấy nghị định…. Đúng là các hộ được công nhận quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư phải thỏa thuận. Ở địa bàn Cam Bình mấy năm trước chỉ 60 – 80 triệu đồng/một sào, rồi tăng lên 120 -160 triệu. Nay có hộ bắt chẹt đến 500 triệu với vị trí nằm giữa hoặc cửa ngõ đất dự án. Giá đất do các hộ trong khu vực hợp đồng “tác chiến” với chủ dự án, còn các dự án lại dòm ngó nhau để suy đi tính lại. Không chừng đó, với các hộ có đất phải thu hồi do không đủ tính pháp lý nhưng điều kiện đặt ra cho dự án được phép đưa chân vào cũng không phải dễ dàng. Đó là thương lượng bồi thường cây trồng, công khai phá, dù đất chỉ còn lưa thưa vài cây bạch đàn còi cọc, đất cát hoang trọc, trồng mì cả sào khi thu hoạch chưa đến chục ký. Dù thấy đó là chuyện vô lý, đất Nhà nước quản lý, tự tiện trồng cây, chặt phá cây rừng tự nhiên nay lại chủ đầu tư phải bồi thường, với giá cả ngang ngữa như đất được công nhận quyền sử dụng, mới là đau. Cho nên dù có quyết định thu hồi nhưng đất vẫn chưa phải coi là đất sạch để dự án triển khai. Lại phải kéo dài việc chùng chình trong giải tỏa đền bù. Đây cũng là cái cớ đối với các dự án ít thiện chí cho việc đầu tư vì lý do nào đó.
Trong số các dự án trên địa bàn La Gi hiện nay, nếu so sánh danh sách chủ đầu tư, tên dự án cách đây khoảng trên 6 năm so với bây giờ sẽ thấy rõ sự thay đổi khá nhiều. Tất nhiên có nhiều lý do ở hình thức liên doanh, liên kết về kinh tế được pháp luật cho phép, nhưng trong số đó thực chất đã sang bán chỉ còn danh nghĩa mà thôi. Như ở Tân Phước là các dự án LQ, ĐT, NTX giao cho ông NXN, các dự án LQT, VHQ, NTKL giao cho Ba Miền, dự án MM chuyển thành Hải Sơn; ở Tân Tiến dự án MT chuyền cho Apex, Hải Thuận thành Thế kỷ 21; ở Bình Tân, dự án Ngọc Anh chuyển lại La Gi – Đồi Dương; dự án Nam Anh chuyển qua Sài Gòn – Hương Nam… và còn nữa. Có thể nói, khoảng phân nửa đã có sự thay tên đổi họ một cách công khai mà đằng sau đó là gì, khó mà biết?
Đã có không ít những trường hợp, vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực dự án du lịch xảy ra trên địa bàn Bình Thuận được phanh phui. Nào là do man khai về đất đai, gian dối trong đền bù, nhập nhằng đất công chuyển thành đất tư…bởi cái “trận địa” này đang được coi là một thị trường nóng bỏng. Từ vài mẫu đất cát hoang không mọc nổi ngọn cỏ bỗng dưng trở thành đất của một khu resort thì cái giá trị phải thế nào rồi. Anh T. làm nghề chạy xe du lịch, có người bạn mách nước làm một lá đơn xin lập dự án 4 ha đất ở Cam Bình, chi phí đo đạc, đi lại nhậu nhẹt không hết 50 triệu đồng. Khi có quyết định giao đất lúng túng không biết làm gì, vừa lúc có người kêu bán anh mừng hết lớn. Hồi đó nhận 300 triệu đồng như là trúng số nhưng sau này anh lại đâm tiếc hùi hụi vì để đến bây giờ không phải con số vài trăm triệu mà là tiền tỷ trong tay.
Giải pháp để đất du lịch thực sự làm du lịch?
Tiềm năng thiên nhiên ở La Gi, ngoài thế mạnh kinh tế biển ra thì triển vọng phát triển du lịch là trong định hướng có tính khả thi. Nhưng với một thời gian khá dài trên 500 ha đất dành cho các dự án du lịch còn lãng phí. Tính ra, dù các dự án có làm nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hàng năm chỉ là con số ít ỏi, không có ý nghĩa gì về mặt phát triển kinh tế xã hội ở địa phương như mong đợi. Nhà đầu tư thì thủng thẳng với tính toán “buôn có bạn, bán có phường”, nhìn vào các dự án đang hoạt động chỉ xôn xao mấy ngày nghỉ lễ, dịp tết… còn lại thì tẻ lạnh. Gần thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu nhưng đường giao thông chưa thuận lắm. Hàng chục dự án thuộc xã Tân Tiến – Tân Bình được tỉnh khoanh vùng và gần chục năm chưa có vốn đầu tư. Như vậy, tầm quan trọng của hạ tầng cơ sở đường sá, điện, nước, viễn thông…rất cần thiết cho phát triển du lịch. Trong khi đó 3 khu du lịch cộng đồng trong qui hoạch ngảnh Tam Tân, Đồi Dương, Cam Bình, quyền hạn của địa phương nhưng vẫn chưa tìm ra lối đi, luẩn quẩn chuyện giải tỏa, đã mấy lượt chủ đầu tư đến rồi đi…lại hoang phí mảnh đất đắc địa và thiệt thòi cho dân chỉ có khả năng du lịch “cộng đồng”.
Vướng mắc lớn nhất cho các dự án là chuyện đền bù giải tỏa, không riêng gì giữa chủ đầu tư với người sử dụng đất mà còn liên quan đến vai trò tác động của chính quyền.
Sự trì trệ của những dự án đã đủ điều kiện nhưng không động tĩnh triển khai thì cần có biện pháp mạnh mẽ và kiểm tra tiến độ xây dựng định kỳ. Kinh nghiệm một số nơi, các dự án du lịch đều phải tạm ứng một tỷ lệ tiền theo qui mô đầu tư nhất định vào quỹ đất một cách công khai để ràng buộc thời hạn phải làm, xem ra có hiệu quả chuyển biến và nhà đầu tư dễ dàng chấp nhận, coi đó là sự công bằng.
Nguồn: Báo Bình Thuận