Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Phân chia hành chính: có 7 đơn vị hành chính trực thuộc (1 thành phố và 6 huyện).
Diện tích địa lý: 3.358,3 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 569.000 người
Mật độ: 169 người/km²
Khu du lịch Vĩnh Hy
Khởi hành từ thị xã Phan Rang theo tỉnh lộ 702, du khách sẽ luồn qua những cung đèo xuyên rừng mai và khộp lá vàng, đặc trưng cho khí hậu khô nóng miền cực nam. Đâu đó một làng chài ẩn hiện, xóa tan sự tĩnh mịch của núi rừng.
Khách du lịch có thể thám hiểm vịnh Vĩnh Hy với một chiếc thuyền nhẹ, chở được 4 người. Chèo thuyền men theo vách núi ăn ra sát biển, khách du lịch sẽ thăm thú được toàn bộ vịnh. Giữa làn nước trong xanh tĩnh lặng, từng đàn cá cơm bạo dạn bơi lội quanh thuyền. Xa xa về phía nam là những doi cát chạy dài, ôm cong bờ biển.
Sau khi thám hiểm, khách du lịch có thể thả mình trong bãi tắm hoang sơ, vắng vẻ hoặc vào làng chài và tìm hiểu sinh hoạt của họ với những nghề làm mắm, hấp cá và cùng ngư dân kéo lưới, thưởng thức các đặc sản biển.
Rời vịnh, vượt qua 1 cầu treo và sau 15 phút đi bộ, khách sẽ gặp khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Chuyến du khảo thú vị sẽ đưa khách du lịch đến với làn nước mát lạnh của suối Lồ Ô, bắt nguồn từ những dòng nhỏ, luồn lách trong các khe rừng rồi chụm lại đây. Hai bên suối là các phiến đá bằng phẳng, được che mát bởi những tán cổ thụ rậm rạp. Vào những ngày quang đãng, ánh sáng mặt trời bị khúc xạ bởi bọt nước trong không trung tạo nên cầu vồng rất kỳ thú.
Tháp Hòa Lai
Tháp Bắc có 4 trụ bổ tường, mỗi trụ được trang trí rất đẹp, phía dưới các trụ còn thể hiện những mảng điêu khắc đẹp và hình tượng chim Garuda giang rộng cánh. Trên mỗi đầu các trụ bổ của các mái chìa có các diềm mũ để trang hoàng. Các cửa giả được trang trí với những vòng cung và những hình người được thể hiện trong tư thế ngồi. Hình thức trang trí ở tháp Nam đơn giản hơn, cũng có 4 trụ bổ tường với những đường nét bên dưới và những diềm mũ với các hoa văn trang trí ở mái chìa, các cửa giả được trang trí vòng cung lớn nhưng không tỉ mỉ như tháp Bắc. Tháp có 3 tầng mái, mỗi tầng có một hốc giả trang trí bởi các vòng cung. Các tháp này sau một thời gian dài bỏ phế, người Chăm đã không cúng bái. Nay tháp đang được trùng tu và bảo quản.
Tháp Pôrômê
Tháp Pôrômê toạ lạc trên một ngọn đồi cao, cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm 15km về phía nam. Tháp được xây dựng ở đất Champa vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Mặt chính của tháp quay về hướng đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung được trang trí bởi hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa. Tháp có ba tầng mái tuân theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên trong tháp chính có thờ hình tượng vua Pôrômê được tạo từ một Linga có 8 tay. Bên góc lối đi vào tháp có tượng thần bò Nadin được tạc từ một phiến đá xanh đen. Công trình ở phía sau tháp là nơi thờ hoàng hậu. Khu mộ táng của vua Pôrômê rất gần với công trình phụ này. Ðây là nơi chôn cất do chính vua Pôrômê chọn. Năm 1992, tháp Pôrômê đã được công nhận di tích.
Tháp Pôklông Garai
Ðây là một nhóm gồm 6 tháp nay còn lại 4 tháp tương đối nguyên vẹn.
Tháp chính thờ vua Pôklông Garai (1151 – 1205). Ông đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía nam mới được khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi (đập Nha Trinh, đập Sông Cấm ở phía tây Phan Rang). Hơn thế nữa dưới triều vua Pôklông Garai trị vì, đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no. Theo truyền thuyết, đây là ông vua bị bệnh hủi nhưng rất dũng cảm.
Tháp này còn khá nguyên vẹn có hình tứ giác. Tháp cao 21,59m. Trong quá trình khai quật nghiên cứu và tu sửa tháp trước kia người Pháp đã tìm thấy một số bát bằng vàng, bạc và đồ trang sức. Gần đầy khi tu sửa tháp, ngành khảo cổ Việt Nam cũng tìm thấy một số bát vàng.
Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần…
Tháp Pôklông Garai còn lại tương đối nguyên vẹn, quý và hiếm trên đất nước ta và trên thế giới về loại hình kiến trúc này và đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích năm 1979.
Làng du lịch Cà Ná
Không khí trong lành mát mẻ, khách du lịch ngồi xe ngựa tới các thắng cảnh của Cà Ná, Mũi Dinh, những hang động: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc. Khách có thể tham gia môn thể thao leo núi hoặc vào rừng dạo chơi, tắm biển, đi ca nô trên mặt biển ngắm nhìn trời mây, nước xanh và quang cảnh núi rừng.
Một làng du lịch với những ngôi nhà nho nhỏ đủ tiện nghi cho 2 người hoặc 4 người nghỉ lại đã mọc lên sát biển tạo thành một làng du lịch Cà Ná.
Bãi tắm Ninh Chữ
Cách thị xã Phan Rang 5km về phía đông (theo hướng đường Ngô Gia Tự kéo dài xuống Ninh Hải), bãi biển Ninh Chữ là bãi tắm đẹp, xung quanh là rừng dương và các núi Ðá Chồng, núi Tân An, núi Cà Ðú… rất thích hợp cho các hoạt động du lịch như tắm biển, lướt ván, câu cá, du thuyền, leo núi, săn bắn. Khí hậu Ninh Chữ mát mẻ, nắng ấm quanh năm. Tại đây có khách sạn quốc tế Ninh Chữ (2 sao) của công ty du lịch Ninh Thuận và các dịch vụ khác phục vụ du khách.
Sưu tầm Internet