Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Bình Phước, phía nam và tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh, phía đông giáp Đồng Nai.
Phân chia hành chính: có 1 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện.
Diện tích địa lý: 2.694,4 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 1.691.400 người
Mật độ: 628 người/km²
Sân golf Sông Bé
Được đưa vào sử dụng từ năm 1994, sân golf rộng 100ha và có hơn 10 hồ với các đường lăn bóng được viền bằng hàng cây xanh.
Với chiều dài hơn 6.000m và bao gồm 18 hố, sân golf Sông Bé đã được công nhận chính thức bởi USGA/SGA (Hiệp hội những người chơi golf của Mỹ và Singapore).
Những tiện nghi khác của sân golf bao gồm: sân tập, cửa hàng, sân tennis, phòng thay quần áo, nhà hàng, biệt thự, sân chơi cho trẻ em, bể bơi, phòng tập thể dục, phòng xông hơi, phòng đọc sách và các phòng chức năng.
Chùa Hội Khánh
Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu (1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau chùa được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100m về phía nam.
Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm 1990 và 1991. Gần đây nhất, ngày 29/2/1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tổ chức trùng tu.
Sau cổng tam quan cổ kính có chạm trổ rồng phượng là khuôn viên chùa yên tĩnh, với nhiều cây cao bóng cả, trong đó đặc biệt có bốn cây dầu cao chót vót, cành lá sum suê, được trồng lúc chùa mới bắt đầu xây dựng, nay tuổi cây đã trên một thế kỷ.
Trong chùa, toàn bộ diện tích chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang rộng đến 700m². Ở chánh điện, các pho tượng Phật Thích ca, Địa Tạng… đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Ba tấm bao lam chạm khắc Tứ linh, Tứ quí, Cửu long và Thập bát La hán rất tinh vi, có giá trị nghệ thuật cao. Hai bên tường của chánh điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ Thập bát La hán. Các tác phẩm chạm khắc gỗ này được tạc vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do nhóm thợ điêu khắc nổi tiếng ở Thủ Dầu Một thực hiện.
Hồ Bình An
Đến với hồ Bình An khách du lịch sẽ bị thu hút ngay trước vẻ đẹp cũng như khí hậu nơi đây. Những hàng cây xanh vươn cao tỏa bóng mát dọc theo con đường ven hồ. Trên khắp các lối đi là những bồn hoa đủ màu sắc rực rỡ. Giữa hồ là đảo nhỏ ẩn hiện thấp thoáng đằng sau những tán lá sum xuê, những nhà hàng nổi trông giống như thuyền của những người dân chài đang neo đậu. Trên bờ là những ngôi nhà mái chóp cao nhỏ xinh theo mô hình nhà rông Tây Nguyên để khách du lịch nghỉ ngơi, thư giãn.
Tại đây khách du lịch có thể vừa câu cá, bơi thuyền thư giãn vừa thưởng thức những món ăn ngon. Khi màn đêm buông xuống, hồ Bình An như được khoác trên mình chiếc áo đen đính ngọc sáng lấp lánh bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đủ màu sắc.
Sau một ngày làm việc căng thẳng, đến với hồ Bình An khách du lịch sẽ quên hết mọi mệt nhọc, ưu phiền.
Chùa Bà
Chùa Bà được dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 bên bờ rạch Hương Chủ Hiếu. Năm 1880, chùa được xây thêm phần nhà hậu ở phía sau. Năm 1925, chùa được dời về vị trí hiện nay.
Trong chùa thờ các vị thần thánh: Thổ công, Môn quan, Thiên Hậu Thánh mẫu, Ngũ hành nương nương (năm vị Thánh mẫu hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), vợ chồng Bổn Đầu Công (một vị tướng Trung Hoa).
Hàng năm chùa Bà tổ chức lễ vía Bà rất linh đình vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Lễ hội thu hút người hành hương đông đảo vào hàng thứ ba ở Nam Bộ, sau lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) và lễ hội Bà Đen (Tây Ninh).
Làng nghề gốm sứ
Bình Dương vốn nổi tiếng với nghề làm gốm. Tại đây có nhiều làng sản xuất gốm sứ như ở các xã Hưng Định, Thuận Giao, Bình Hoà (huyện Thuận An).
Phường Chánh Nghĩa của thị xã Thủ Dầu Một với gần 500 lò gốm sứ. Nghề làm gốm sứ Sông Bé trước đây và Bình Dương ngày nay đã phát triển đến trình độ cao từ đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ đến đồ sứ công nghiệp.
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Tùy theo qui mô lớn nhỏ của từng gia đình, mỗi gia đình có thể đảm nhận một khâu hoặc tất cả các khâu để hoàn thành một sản phẩm. Với hàng trăm hộ làm nghề sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công đã cơ giới hoá với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng mang tính chất gia đình truyền thống. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng được xuất khẩu và tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
Chùa núi Châu Thới
Theo sử triều Nguyễn, chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ 17. Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan dựng năm 1970. Ở điện Phật có 3 pho tượng Phật cổ bằng đá. Hàng năm có đông khách thập phương đến viếng thăm chùa và lễ Phật. Chùa nằm trên núi Châu Thới, phong cảnh yên tĩnh, trang nghiêm. Ðứng ở đây có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của các vùng xung quanh.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Từ thành phố Hồ Chí Minh đi khoảng 20km, vượt qua ga xe lửa Bình Triệu thì đến vườn Lái Thiêu.
Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa trái cây chín rộ, khách du lịch đi chơi vườn Lái Thiêu sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và được thưởng thức các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, vú sữa… Khách du lịch có thể xuống thuyền dạo chơi trên sông Sài Gòn mà ngắm cảnh vườn cây…
Sưu tầm Internet.