Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột.
Phân chia hành chính: có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện.
Diện tích địa lý: 13.125,4 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 1.771.800 người
Mật độ: 135 người/km²
Thác Krông Kmar
Từ trung tâm huyện Krông Bông ngược về phía dãy Chư Yang Sin khoảng 3 cây số, bạn sẽ gặp một thắng cảnh đẹp của Đắk Lắk đó là thác Krông Kmar. Bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin hùng vĩ được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên, dòng Krông Kmar đổ xuống chân núi, tạo thành thác Krông Kmar mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng mà ai đã một lần đến đây hẳn sẽ còn nhớ mãi.
Ở phía đầu nguồn, từ trên đỉnh Chư Yang Sin, dòng nước tuôn tràn xuống tạo thành những bậc thác nối tiếp nhau. Dòng nước của Krông Kmar đổ xuống các bậc đá tung bọt trắng xóa, tạo nên một dây chuyền âm thanh ầm ào vang động cả khu rừng nguyên sinh. Cạnh những cột nước của thác có rất nhiều tảng đá to và phẳng như mặt bàn để khách du lịch dừng chân ngắm cảnh hay tổ chức những cuộc liên hoan nhẹ ngay giữa lòng suối. Từ đây những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar. Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi không ngờ rằng ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương thánh thót của nhiều loại chim rừng. Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ, ơ đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.
Đến với thác Krông Kmar bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy ấn tượng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, được đầm mình giữa những bãi tắm rộng trong làn nước mát trong xanh soi rõ từng viên cuội sỏi. Những giờ phút dạo chơi, vãn cảnh bên dòng thác sẽ mang đến cho bạn cái cảm giác thư thái, sảng khoái, xua tan những mệt mỏi sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Một điều thú vị nữa là bạn sẽ còn được cưỡi voi của đồng bào Êđê thực hiện cuộc leo núi chinh phục đỉnh Chư Yang Sin, hoặc thưởng thức hương vị khó quên của rượu cần Tây Nguyên ….
Sau một thời gian bị lãng quên, vài năm trở lại đây, thác Krông Kmar đã trở thành một địa chỉ du lịch quen thuộc của nhiều người. Vào các dịp hội hè hay ngày nghỉ cuối tuần, thắng cảnh này luôn nườm nượp khách từ các nơi trong tỉnh đổ về và cả nhiều du khách tỉnh ngoài cũng tìm về đây. Bạn hãy một lần đến với thác Krông Kmar để ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời với những thác nước ầm reo giữa non ngàn, tận hưởng không khí trong lành mát dịu của thiên nhiên đại ngàn.
Thác Thủy Tiên
Đến nơi này, khách du lịch sẽ được thả hồn mình trong tiếng suối reo giữa non ngàn bao la và hùng vĩ. Từ trên cao, nước chảy xuống từng bậc đá tung bọt trắng xóa, tạo thành bức tranh sinh động, huyền hoặc của cảnh sắc núi rừng Tây Nguyên.
Hang đá Dak Tuar
Dựa vào địa hình hiểm trở, Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến của ta đã chọn nơi đây để làm đại bản doanh lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết kháng chiến. Đế quốc Mỹ nhiều lần dùng máy bay ném bom, tổ chức nhiều cuộc càn quét hòng tiêu diệt căn cứ kháng chiến nhưng đều thất bại thảm hại.
Tháng 5/1965, từ hang đá Dak Tuar, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 vùng dậy phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía đông của tỉnh, vùng đất này nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1991, hang đá Dak Tuar được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử. Sở Văn hóa – Thông tin Đắk Lắk cũng đã có dự án giữ gìn và tôn tạo lại khu di tích gồm: Hội trường Tỉnh ủy trong hang đá; nơi ở và làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Qua khảo sát đã cho thấy khu di tích này có cả một hệ thống hang đá liên hoàn gồm nhiều tầng lớp ăn sâu vào lòng núi đủ chỗ ở cho hàng trăm sư đoàn. Hiện tại dự án đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng 6km đường cấp phối từ buôn Dak Tuar vào khu di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hành hương “về nguồn” thăm lại chiến khu xưa. Trong các ngày lễ lớn thanh niên các dân tộc trong tỉnh thường xuyên tổ chức đến thăm di tích lịch sử này. Hang đá Dak Tuar đã trở thành chứng tích lịch sử, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tháp Chăm Yang Prong
Tháp Yang Prong là ngôi tháp Chăm cổ duy nhất ở Tây Nguyên nằm bên dòng sông Ea H’leo, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100km. Toàn bộ tháp Yang Prong được xây bằng gạch nung đỏ trên một nền cao bằng đá xanh. Tháp cao 9m, có đáy vuông, mỗi cạnh dài 5m. Chỉ có một cửa ra vào mở về hướng đông, còn ba mặt tường ngoài của tháp đều có 3 cửa giả. Đỉnh tháp nhọn như củ hành khá đặc biệt, khác với các kiến trúc các tháp Chăm thường thấy ở các nơi khác. Tháp Yang Prong là một di tích văn hóa có giá trị ở Tây Nguyên.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch và các nhà khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ. Những cánh rừng đại ngàn thuộc hệ sinh thái rừng khộp mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, đan xen trong đó là các cánh rừng ẩm xanh tươi và rừng bụi với nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà te, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím…
Địa hình nơi đây tương đối bằng phẳng, trong đó nổi lên các ngọn núi Yok Đôn và Reheng. Rừng nguyên sinh chiếm trên 90% diện tích toàn vườn là môi trường sống lý tưởng cho các loài động thực vật. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Yok Đôn hiện có 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã không những phong phú và đa dạng mà còn rất đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Đây còn là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều động vật quý tập trung với số lượng lớn như bò rừng, báo, nai cà tông, kỳ đà nước…Hệ thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng với 464 loài, trong đó nhiều loài chỉ có ở khu vực Tây Nguyên. Nơi đây cũng tập hợp nhiều loài hoa quý hiếm, chỉ riêng hoa phong lan đã có trên 23 loài với đủ màu sắc tuyệt đẹp. Yok Đôn là khu vực duy nhất ở Việt Nam bảo tồn kiểu rừng kho cây họ Dầu.
Trong những năm qua, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu về đa dạng sinh học của vườn quốc gia, nghiên cứu đặc điểm sinh thái các loài động vật hoang dã, nghiên cứu chuyên về các loài động vật hoang dã, nghiên cứu chuyên về từng loài động thực vật như voi, thú móng guốc, hổ báo Đông Dương, các loài chim… Bên cạnh công tác bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái vườn quốc gia Yok Đôn, một trong những nhiệm vụ của Vườn phát triển các loại hình du lịch. Thời gian qua, Ban Quản lý vườn quốc gia đã tích cực phối hợp với ngành Du lịch Đắk Lắc tham gia phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghiên cứu, tham quan thám hiểm rừng nguyên sinh.
Ngoài ra, vườn quốc gia Yok Đôn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như: Êđê, M’Nông, Lào… Buôn Đôn hiện vẫn bảo tồn được khá nhiều kiến trúc nhà sàn truyền thống với những hình chạm khắc đẹp và công phu, thể hiện bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tài tình của cư dân nơi đây. Buôn Đôn còn là vùng đất nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi. Khách đến đây sẽ được tận mắt xem các dụng cụ dùng để săn bắt voi và có thể cưỡi voi đi dạo giữa những cánh rừng đại ngàn hoặc cùng voi vượt qua dòng sông Sêrêpôk lại chảy từ đông sang tây trong khi hầu hết các con sông thường chảy từ tây sang đông rồi đổ ra biển. Bắt nguồn từ vùng núi Nam Đà (huyện Krông Nô) sông Sêrêpôk cuồn cuộn chảy qua huyện C’Dút về huyện Buôn Đôn, sông Sêrêpôk lững lờ trôi quanh khu vực vườn quốc gia Yok Đôn tạo thành vành đai tự nhiên bảo vệ khu rừng. Những thân cây si cạnh bờ sông mọc ra vô vàn cành, rễ tua tủa đan chéo vào nhau tạo nên những “khu nhà sàn” độc đáo bằng rễ cành cho du khách trèo lên thưởng ngoạn cảnh sông nước, núi rừng. Khi màn đêm buông xuống, du khách được tham gia đêm lửa trại với những giai điệu sôi nổi của các nhạc cụ đầy chất sáng tạo của vùng đất Tây Nguyên như cồng, chiêng, đàn Chinh K’ram, sáo vỗ, Đinh Puốc, T’rưng…Bên cạnh tour cưỡi voi thăm Yok Đôn, Du lịch Đắk Lắk còn tổ chức các tour du lịch dã ngoại, đi bộ, cắm trại trong rừng hoặc thuê nhà nghỉ trong căn chòi nhỏ ven bờ sông để du khách hưởng thú ngắm phong cảnh rừng núi, sông nước khi hoàng hôn xuống.
Hồ Lắk
Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10km, đến thị trấn Liên Sơn, rẽ tay phải vài trăm mét đã thấy ngôi nghà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Ðại ngày xưa. Ðây là nơi ông thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên thành phố Buôn Ma Thuột. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra mặt nước của hồ Lắk.
Hồ rộng trên 500ha, được thông với con sông Krông A Na. Mặt hồ Lắk luôn xanh thắm, in bóng rừng thông trên các ngọn đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú.
Về mùa mưa, hàng trăm con suối, ngọn thác đổ nước về làm cho mặt hồ rộng thêm, sóng cồn lên như biển và dâng ngập hết cả các cánh đồng cỏ xung quanh. Ra xa, nước sâu hơn là nơi ngự trị của các loài sen, súng. Sen ở hồ Lắk rất đẹp, che kín một dải dài trên mặt nước làm cho cảnh hồ thêm thơ mộng.
Bên Hồ Lắk có buôn Jun, một buôn làng tiêu biểu của dân tộc M’Nông. Ðến đây du khách có dịp ngao du trên lưng voi để ngắm buôn làng, tham quan núi rừng Tây Nguyên. Nếu nghỉ qua đêm sẽ được thưởng thức văn nghệ cồng chiêng của người M’Nông.
Công viên nước Đắk Lắk
Công viên có hệ thống thác trượt nước với nhiều trò chơi cảm giác mạnh, dòng sông lười bao toàn bộ khuôn viên dài 487m, khu vui chơi thiếu nhi, hồ tạo sóng…
Với đội ngũ nhân viên cứu hộ được đào tạo chuyên nghiệp, quý khách đến với công viên nước đều được bảo hiểm tối đa.
Công viên nước luôn có những chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho những đoàn khách có số lượng đông. Đặc biệt vào những ngày lễ lớn đều có chương trình giảm giá, ưu đãi cho các công ty, đơn vị, trường học…
Công viên nước Đắk Lắk là một địa điểm vui chơi bổ ích, lành mạnh, ấn tượng và an toàn tuyệt đối với chi phí hợp lý.
Hoa viên Buôn Ma Thuột
Du khách có thể tản bộ tham quan phố xá, thư thả đến Hoa viên – một công trình được thiết kế xây dựng theo kiểu hiện đại kết hợp với nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Ở đây có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí: vườn hoa, vườn chim thu nhỏ, động nhân tạo, quán cà phê giải khát… rất phù hợp cho thư giãn sau khi thực hiện chuyến đi du lịch xa hay những buổi tối thời tiết nóng nực.
Đèo Phượng Hoàng
Đèo Phượng Hoàng là một cửa ngõ đi miền duyên hải Trung bộ, một thắng cảnh đẹp của thiên nhiên, nơi từng có bóng dáng của những thương nhân người Kinh đi lại mua bán, nơi một thời Yersin đi qua tìm ra địa danh Đà Lạt, nơi vẫn còn mãi chiến công vang dội, những dải núi đẹp như cánh chim tung trời sải cánh giữa đại ngàn. Nghe suối chảy róc rách, những cơn mưa bất chợt chỉ riêng xứ sở cao nguyên mới có, những ngôi nhà sàn, những khúc đường quanh co và ngọn núi Phượng Hoàng làm cho con người ta gần gũi với thiên nhiên hơn. Thắng cảnh đèo Phượng Hoàng đẹp tựa một bức tranh kỳ vĩ đã từng cuốn hút bao du khách khi ngược đồng bằng lên với cao nguyên.
Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk
Bảo tàng dân tộc Đắk Lắk gồm hai tầng:
Tầng 1: Trưng bày những hiện vật, hình ảnh giới thiệu về đặc điểm tự nhiên của Đắk Lắk, về văn hóa hai dân tộc thiểu số: Ê Đê và M’Nông.
Các mô hình nhà sàn, trang phục, dụng cụ sản xuất, tượng nhà mồ, các bộ sưu tập ché rượu, gùi, trái bầu…
Tầng 2: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật về công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đồng bào Đắk Lắk.
Ngoài ra bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh về công cuộc sản xuất kinh tế của người dân Đắk Lắk sau ngày giải phóng: sản xuất nông công nghiệp, trồng cao su, cà phê, chế biến mủ cao su, làm thủy điện… các hoạt động y tế, du lịch…
Buôn Ako Dhong
“Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng. Ako Dhong là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói” hay “Buôn Ama Rin”. Đây là một trong những buôn người dân biết cách làm ăn, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào khá cao, là nơi thu hút nhiều lượt khách du lịch đến thăm.
Ako Dhong xưa kia là rừng hoang vu phủ kín, Ama Rin – người chủ buôn – quê ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M ‘Đrắk là một trong những người đầu tiên góp phần khai hóa đất đai, biến rừng hoang thành buôn Ako Dhong.
Ako Dhong hôm nay đã khang trang. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, đã hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này. Không những thế chủ làng Ama Rin còn đang tính đến việc tạo ra những ngành nghề phụ để bà con trong buôn cải thiện đời sống. Ước nguyện của Ama Rin cũng như của đồng bào Ako Dhong là làm thế nào trong tương lai, tiếp tục ổn định đời sống và nâng cao văn hóa của buôn, nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh…
Ako Dhong – Buôn lũng đầu nguồn – đang hứa hẹn nhiều điều mới mẻ.
Buôn Jun
Đến buôn Jun, nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên nép mình dưới bóng cây xanh, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm… du khách sẽ ngỡ như mình đang ngược dòng thời gian trở về với khung cảnh thanh bình, nên thơ đẫm chất huyền thoại đã từng in dấu ấn vào những bản trường ca thuở xa xưa. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, buôn Jun vẫn bảo lưu và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán cổ truyền mà tổ tiên để lại. Nếp sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc buôn Jun mang một nét đặc trưng riêng vốn đã được định hình từ hàng trăm năm trước.
Về với buôn Jun, du khách sẽ được cưỡi voi ngắm cảnh núi non, buôn làng, hồ nước mênh mang lao xao sóng vỗ. Nếu một lần ở lại buôn Jun, còn gì thi vị hơn khi du khách được ngồi bên khung cửa nhà sàn, ngắm những đêm trăng đẹp như trong cổ tích, gió từ hồ Lăk thổi tới mang theo cái lạnh mơn man da thịt. Quây quần cùng mọi người bên ché rượu cần, du khách được nghe già làng kể về những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất này thuở hồng hoang. Cái cảm giác ngất ngây, lâng lâng bởi men say rượu cần sẽ đưa du khách vào giấc ngủ nhẹ nhàng từ lúc nào không hay biết.
Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lăk, thưởng thức cơm lam và những đặc sản của hồ Lăk như: cá, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của đồng quê cao nguyên. Nếu về buôn Jun vào mùa lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong không khí tưng bừng náo nhiệt bởi âm vang của cồng chiêng, của những lời ca điệu múa truyền thống đầy chất trữ tình và lãng mạn.
Buôn Jun là điểm du lịch đầy ấn tượng đối với những ai muốn tìm hiểu, khám phá về nét đẹp văn hóa của buôn làng cổ truyền Tây Nguyên. Mời du khách hãy một lần đến với buôn Jun bởi sẽ có nhiều điều thú vị đang chờ đón…
Thác Bảy Nhánh
Dòng Sêrêpôk chảy về đây gặp một ghềnh đá lớn chia làm 7 dòng sông nhỏ chảy qua các tảng đá tạo thành 6 hòn đảo giữa các nhánh sông, vì vậy gọi là thác Bảy Nhánh. Đứng trên cao nhìn xuống, thác Bảy Nhánh như một bàn tay khổng lồ có bảy ngón xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa mà “cổ tay” là đầu thác rộng khoảng 500m, nước chảy hiền hòa êm ả quanh năm.
Nơi rộng nhất của thác khoảng 2km. Nhánh thác thứ nhất được che bởi những rặng si già, nhánh thác thứ hai, ba, bốn cách “cổ tay” khoảng 25 – 30m là ghềnh đá lớn, rất phù hợp cho du khách ra tắm hoặc chụp ảnh lưu niệm. Nhánh thác thứ năm có bãi sạn, đá cuội được nước bào mòn xinh xắn như bãi sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa). Nhánh thác thứ sáu là sáu bãi cát rộng, phẳng đẹp và khoảng 2ha đất canh tác là nơi dân cư trong vùng trồng cây công nghiệp và cây ăn trái. Sang nhánh thác thứ bảy là đến rừng nguyên sinh do Vườn Quốc gia YokDon quản lý với nhiều loại gỗ và thú quý hiếm.
Đến thác Bảy Nhánh du khách sẽ được dạo mát trên cầu tre luồn lách qua các gốc si và rễ si già đan xen chằng chịt, nghỉ ngơi, uống rượu cần trên các sàn gỗ được dựng trên các cành si và nghe tiếng thác nước chảy róc rách, trong veo, mát mẻ dưới chân mình.
Đây là nơi đua thuyền độc mộc lý tưởng vì mặt nước phẳng lặng, trong xanh với những bãi tắm đẹp có nhà dù lợp tranh. Chiều chiều đứng bên này nhìn sang bên kia thấy những đàn chim công khoe những bộ lông sặc sỡ vui múa với nhau thật đẹp mắt.
Đến thác Bảy Nhánh du khách chẳng những được tận hưởng cảnh quan tự nhiên của vùng sinh thái nơi đây mà còn có thể tiếp tục cưỡi voi tham quan Vườn Quốc gia YokDon để nghe kể về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, được du thuyền vượt qua dòng Sêrêpôk, được ngủ nhà sàn, được giao lưu văn hóa cồng chiêng với đồng bào M’Nông. Đến đây du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản như cơm lam, cơm đùm lá chuối, gà nướng lá bưởi, kiến vàng bóp cải xanh, canh cá lăng nấu với lá giang. Du khách cũng có thể chọn mua một số quà lưu niệm về cho người thân như túi dệt thổ cẩm, mỹ nghệ gỗ, các loại gùi của đồng bào dân tộc…
Khu du lịch hồ Ea Kao
Khu du lịch Hồ Ea Kao có quy mô 120ha (chưa kể diện tích mặt hồ nước) được đầu tư xây dựng trên khu vực có địa hình tương đối đa dạng, có nhiều triền đồi, dốc, khe… Khí hậu ở đây tương đối ôn hoà, nhiệt độ trung bình 20,7ºC/năm, lượng mưa trung bình 2.155mm/năm, rất phù hợp tạo sự phong phú về không gian và cảnh quan để phát triển du lịch.
Khu du lịch Hồ Ea Kao được xây dựng giữa một không gian thiên nhiên có nhiều cây xanh với nhiều loại hình du lịch, sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của du khách. Khu du lịch này được chia ra làm nhiều khu nhỏ với các hoạt động du lịch khác nhau: khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ, vườn hoa, nhà hàng, khu vườn thực vật, khu thiếu nhi, khu cắm trại, khu bảo tồn thiên nhiên… Tất cả các khu này đều được bố trí thuận lợi, cảnh quan phong phú, hấp dẫn.
Khu du lịch Hồ Ea Kao có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều cây xanh, hồ nước rộng và sạch đã góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái của vùng, đồng thời bảo tồn và nâng cao giá trị bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số.
Đến với khu du lịch Hồ Ea Kao du khách sẽ được tận hưởng những phút giây nghỉ ngơi thoải mái giữa bầu không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây.
Sưu tầm Internet.