Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn cách tổ chức chuyến du lịch hoàn hảo cho gia đình mình ngay cả khi cho trẻ nhỏ đi cùng.
1. Chuẩn bị trước khi đi du lịch cuối tuần
2 ngày cuối tuần không quá dài để bạn phải mang quá nhiều hành lý, nhưng cũng không quá ngắn khiến ta có thể sơ sài trong khâu chuẩn bị. Trước khi gói ghém đồ đạc, bạn nên lên một danh sách cần thiết cho cả gia đình, ví dụ như:
– 1 – 2 chiếc áo mặc hàng ngày khi đến nơi
– 1 – 2 chiếc quần ton-sur-ton với áo đã chuẩn bị ở trên
– Quần áo lót mặc ở nhà và đi ngủ
– Giày
– Đồ vệ sinh thân thể, vệ sinh cá nhân
– Thuốc và trang bị y tế
– Các thiết bị giải trí khi đi xe và đến nơi
– Các vật dụng cần thiết khác
2. Thu dọn hành lý để đi du lịch cuối tuần
Hãy dành từ 1 – 2 ngày trước chuyến đi cho việc sắp xếp những hành lý cố định (những đồ mà chỉ khi đến nơi bạn mới sử dụng chung). Với những đồ thường xuyên dùng (đồ vệ sinh cá nhân, đồ giải trí…), bạn có thể xếp chúng trước khi chuẩn bị đi. Làm sớm việc này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn mọi thứ.
3. Cùng bé chuẩn bị đồ đạc
Hãy để các con bạn được thư giãn sau một tuần học tập. Trẻ em cũng rất thích bắt chước những điều mà người lớn làm nên bạn cũng đừng ngần ngại khi cùng con chuẩn bị đồ đạc cho chúng.
Hãy tạm bỏ sách vở qua một bên. Nếu đồ đạc của các bé không đáng kể thì bạn có thể để luôn trong hành lý chung của cả gia đình. Ngược lại, quý phụ huynh có thể sắm cho các con những chiếc túi xách, ba lô xinh xinh để trẻ đeo… “làm dáng”.
4. Chú ý thời gian khởi hành chuyến du lịch
Việc chọn thời điểm để “xuất hành” cũng rất quan trọng khi chuyến du lịch bao gồm cả trẻ em. Cách tốt nhất là bạn nên lựa chọn thời điểm phù hợp với thói quen ngủ của bé để tránh những khó khăn phát sinh khi di chuyển (trẻ quấy khóc, bé bị say…).
5. Giúp trẻ luôn thấy thoải mái khi đi lại
Trước mỗi chuyến du lịch, bạn đừng quên chuẩn bị những đồ ăn khoái khẩu cho bé để chúng không bị hấp dẫn bởi những hàng quán dọc đường. Bên cạnh đó, bạn cũng cần để riêng những đồ chơi hay thiết bị giải trí mà trẻ hay dùng ra một túi hành lý riêng để khi trẻ cần thì sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm.
Khi trẻ chán với những món đồ đó, bạn có thể cùng bé chơi những trò chơi đơn giản với “đạo cụ” là thế giới quan bên ngoài (Ví dụ: Đâu là xe ô tô, đâu là xe máy, màu sắc của chúng ra sao…). Việc thường xuyên “đổi món” sẽ giúp trẻ tập trung và ngồi ngoan hơn suốt chặng đường di chuyển.
6. Những việc nên làm ở nơi nghỉ dưỡng của cả gia đình
– Bạn đừng quên tặng quà phương xa cho gia chủ nếu gia đình bạn ở lại tại nhà người thân quen.
– Hãy dành thời gian nói cho các con rằng bạn muốn chúng phải cư xử ngoan ngoãn, lễ phép khi nghỉ dưỡng. Và cũng đừng quên thông báo cho lũ trẻ về những điều cả gia đình sẽ làm khi tới nơi.
– Vì đây không phải là nhà mình nên bạn không có quá nhiều sự lựa chọn về sự thuận tiện cho riêng mình và các thành viên. Hãy chấp nhận và đừng phàn nàn quá nhiều về mọi sự bất tiện phát sinh.
– Duy trì những thói quen: ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ của các bé như bình thường khi ở nhà.
– Tổ chức những hoạt động dã ngoại, ngoại khóa ở nơi nghỉ dưỡng để giúp trẻ luôn thấy thích thú.
Một số lời khuyên khác:
– Khi đi du lịch thì những phương tiện giải trí số như điện thoại, iPad, PSP có thể giúp các bé thích thú trong suốt hành trình nhưng bạn đừng lạm dụng chúng quá mức. Và khi trẻ sử dụng, bạn nên quan sát chúng kỹ càng vì các bé có thói quen quăng quật mọi thứ khi chúng chán.
– Nên khích lệ, động viên và khen các con khi chúng ngoan ngoãn và vâng lời.
– Để đề phòng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đi du lịch, bạn nên chuẩn bị thêm thức ăn phụ cho cả gia đình. Trong đó nên ưu tiên khẩu phần ăn của các con.
– Bạn nên để mắt đến các bé để tránh trường hợp bị lạc mất con.
Theo Cẩm nang du lịch