Phan-Xi-Păng với đỉnh cao 3143m là ngọn núi cao nhất Việt Nam và của cả Đông Dương. Đỉnh Phan-Si-Păng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, theo tiếng địa phương là Hua-Si-Pan, có nghĩa phiến đá khổng lồ chênh vênh.
“Săn mây” trên nóc nhà Đông Dương từ lâu đã luôn là tour du lịch “hút hồn” những người đam mê mạo hiểm. Cảm giác được bềnh bông trên những tầng mây và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên sẽ “trả công” xứng đáng cho những gì bạn phải bỏ ra để chinh phục đỉnh núi cao có độ cao 3143m này.
Phương tiện được chọn nhiều nhất để tiết kiệm chi phí và thời gian cho các hành trình chinh phục Fanxipan là đi tàu từ ga Trần Quý Cáp lên Lào Cai, bus lên sapa và bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao.
Nên đặt vé tàu trước 1 – 2 tuần nếu chọn hành trình vào cuối tuần. Giá vé có thể thay đổi giữa việc mua trực tiếp tại ga và hãnh lữ hành. Vé về cũng nên mua trước, có thể đặt tại các khách sạn hoặc các đại lý du lịch tại Sapa hoặc Lào Cai.
Để được leo Fanxipan, bạn cần có giấy phép vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, giấy do Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn cấp. Giấy này có thể lấy trong buổi sáng khi bạn bắt đầu đi Fanxipan.
Chinh phục Fanxipan có nhiều con đường khác nhau, có thể đi theo 4 con đường chính. Đi Cát Cát về Sín Chải: Đây là con đường khó nhất bên phía Lào Cai để chinh phục Fanxipan. Những người có thể lực tốt hoặc dài ngày thường chọn đường này để khám phá và chinh phục Nóc Nhà Đông Dương.
Đi Cát Cát về Trạm Tôn: So với các đường khác thì con đường này được nhiều lựa chọn để có thể thấy rõ ràng hơn về Fanxipan. Dĩ nhiên, quãng đường đi xa hơn và cũng khó khăn hơn với chặng từ Cát Cát.
Đi Trạm Tôn về Trạm Tôn: Đây là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất. Với những người có sức khỏe bình thường, ít tập luyện vẫn có thể chinh phục thành công.
Để đi từ Sapa lên Trạm Tôn, có thể thuê loại xe chuyên dụng hoặc xe 16 chỗ tại các công ty du lịch với giá từ 250 – 300.000/lượt. Nên đặt luôn cả đi và về. Từ trạm kiểm lâm Trạm Tôn, bạn sẽ bắt đầu vào rừng vào khoảng 10h sáng, với những đoạn dốc ngắn, chủ yếu là xuống và thoải lên trên. Sẽ đi qua nhiều con suối (số lượng suối phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa suối sẽ nhiều và nước to hơn), đi qua Bãi Trâu, qua 1 con suối lớn và ăn trưa tại Bãi Sỏi và lúc 12h30 – 13h (tùy sức khỏe và thời gian ngắm cảnh trên đường).
Từ Bãi Sỏi, con đường bắt đầu dốc hơn và nghỉ tại trại 2.200m sau 2 tiếng (vào khoảng 16h; ngòai ra, nếu bạn xuất phát sớm thì có thể đi thẳng lên điểm nghỉ 2800m)Ngày tiếp theo, hành trình tiếp tục với việc đi trên các sườn núi, sống núi, vượt qua rừng cháy, các cầu thang, qua điểm 2900 và thẳng tiến lên đỉnh. Đây là đoạn đường dài và dốc nên cần phải đi chậm để giữ sức. Bạn có thể chinh phục đỉnh Fanxipan (3.143m) vào lúc 11h (sau từ 3 – 4 tiếng). Ăn trưa trên đỉnh và trở lại điểm nghỉ 2.900 hoặc 2.200 (tùy vào sức khỏe). Trở về vào sáng ngày thứ 3.
Hành trình Fanxipan không đòi hỏi một thể lực quá tốt nhưng cần sự dẻo dai và sức bền. Một tinh thần tốt cần đi kèm. Thể lực tốt giúp việc chinh phục dễ dàng hơn, có nhiều điều kiện để ngắm cảnh và tìm hiểu về thảm thực vật tại Hoàng Liên Sơn. Nên thực hiên các bài tập thể lực như chạy bộ, đi bộ, gập bụng, chống đẩy, đi bộ cầu tháng đều đặn trước ít nhất 1 tuần trước khi bắt đầu cuộc hành trình
Về trang phục:
– Giày/dép: Loại giày có đế và mũi cứng, có gai để bám, cổ cao. Loại giày bộ đội là giày được nhiều người dùng, tuy nhiêm loại giày này quá mỏng, không đủ ấm Giày nên được khâu trước khi đi và đi trước 1 tuần cho quen chân. Trường hợp giày ướt có thể phơi trước bếp lửa tại các trại.
– Mang theo 1 đôi dép nhựa nhẹ, loại dép tổ ong để dùng khi nghỉ tại các trại.
– Quần: Nên mặc 1 loại quần nịt chặt vào người. Giống loại quần đi ngủ. Loại quần này khi mặc sẽ giữ ấm cho cơ thể, bên ngoài mặc loại quần rộng, có nhiều túi (không mặc quần Jean) hoặc quần soóc vào mùa hè cho thoải mái. Quần nịt khi mặc sẽ được trùm bởi tất dài khi đeo giày. Không cần thiết phải dùng tất chống vắt (một phần vì các đường lên Fanxipan hiện nay ít hoặc không còn vắt)
– Tất: loại tất dài, cotton, màu. Nên mang theo từ 2 – 3 đôi. Thay tất tại điểm nghỉ ngay lập tức khi bị ướt. Tất dài khi đi trùm quần nịt.
– Găng tay: Loại găng tay có các hạt nhựa bên trong lòng. Tốt nhất là loại găng tay bằng da, không thấm nước.- Khăn (khăn quàng cổ bằng len ấm, dùng cho mùa đông hoặc cơ thể chịu lạnh kém, không nên đeo khi đi ngủ gây khó thở)
– Áo lạnh. Luôn mang theo 1 áo ấm mùa đông. Áo ấm được dùng cho buổi tối và có thể dùng khi đi ngủ.
Nguồn: VietNamNet