Nếu ai đã về miền Tây, không thể quên được hình ảnh cây thốt nốt ở đâu ta cũng thấy, đương nhiên cũng không thể quên những đặc sản từ cây thốt nốt.
Cây thốt nốt giống như cây dừa, quả thốt nốt cũng giống quả dừa nhưng tròn và vỏ màu tím nhẵn bóng, thành từng chùm. Khi đặt chân đến Châu Đốc, An Giang xứ sở của thốt nốt, chắc chắn bạn sẽ thích thú bởi những sản phẩm độc, ngon từ thốt nốt.
Nước và cùi thốt nốt
Quả thốt nốt chia thành 4 – 5 múi và trong mỗi múi có phần cùi trong suốt. Không phải ai cũng biết lấy những phần cùi này, chỉ có các bà các chị khéo léo dùng dao mới tách chúng được nguyên vẹn. Thưởng thức một cốc nước thốt nốt với cùi thốt nốt ròn và ngọt lịm, thanh mát cho thêm ít đá lạnh thì dường như quên hết bao mệt mỏi bởi đường xa và nóng bức.
Hình ảnh các bà các chị gánh nước thốt nốt còn tươi nguyên từ cây thốt nốt đi bán rong khắp nẻo đường vùng Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) khiến những người khách phương xa cảm được nỗi vất vả của người dân sống và gắn bó với thốt nốt. Bởi vậy, thốt nốt không phụ lòng người, thốt nốt dễ sống, chẳng cần chăm bón, tưới tắm mà vẫn xanh tươi từ bờ sông, đồng lúa vào đến vườn nhà. Nước thốt nốt được nấu thành đường ngọt lịm. Để có thành phẩm đường thốt nốt bán ra thị trường, người dân phải bỏ ra nhiều công sức. Từ sáng sớm, phải leo lên ngọn cây thốt nốt cắt cuống bông treo thùng vào để hứng nước nhỏ ra từng giọt từ cuống. Chiều leo lên đem thùng xuống, cây nào nhiều thì được khoảng 30 lít/ngày. Đem nước thốt nốt nấu ngay cho đến khi keo lại rồi cho vào khuôn để nguội. Sau đó, cắt thành từng miếng và dùng lá thốt nốt khô gói lại. Đường thốt nốt màu vàng nhạt có mùi thơm, ngậy béo thường được người dân dùng nấu món chè đậu xanh, bánh những sản phẩm dân dã đặc trưng được nhiều người tìm đến thưởng thức.
Bánh ngon từ thốt nốt
Nếu đã ăn nước thốt nốt, chè thốt nốt thì bánh bò thốt nốt mầu vàng suộm, nhìn đã thấy hấp dẫn chứ chưa nói đến là ăn. Bánh bò thốt nốt mềm, xốp, ngọt, thơm ngon, quyến rũ. Còn bánh gói thốt nốt làm từ nguyên liệu là bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa, đậu xanh đãi vỏ nấu kỹ tán nhuyễn cùng bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung vào bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng. Làm bánh thốt nốt khá cầu kỳ. Gạo phải chọn loại gạo lúa mùa ngon (thường là gạo cũ) ngâm nước lạnh khoảng 2 tiếng, xay thành bột. Cho bột gạo, đường thốt nốt, một chút muối, nước cốt dừa, bột vỏ trái thốt nốt vào nồi nấu với ngọn lửa liu riu và dùng vá khuấy đều cho đến khi hỗn hợp bột hơi sền sệt (chưa chín hẳn). Dùng muỗng múc từng cục bột (cỡ nắm tay) đặt lên lá chuối tươi, lấy tay ép nhẹ bột xuống thành miếng mỏng tròn, dẹp rồi cho đậu xanh nấu chín, dừa xắt sợi vào giữa và gói bánh lại thành hình chữ nhật hay hình tháp tùy ý.
Khi bánh gói xong cho tất cả vào nồi hấp chừng vài tiếng là bánh chín. Lột phần lá chuối bên ngoài chiếc bánh gói thốt nốt, nhìn bột bánh màu vàng sáp cùng với “mùi thơm đặc trưng” của thốt nốt, của đậu xanh khiến khách nhàn du khó lòng cưỡng được cơn thèm.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng chưa đủ để nói hết về hương vị thốt nốt miền Tây. Người miền Tây đi xa thì nhớ nhất là hương vị của thốt nốt, khách phương xa về cũng ấn tượng và phải tìm bằng được nước, cùi, đường, bánh thốt nốt để thưởng thức và mua làm quà cho người thân.
Nguồn: Langvietonline