Mang hình thù cỗ quan tài đầy hãi hùng nhưng hương vị ngây ngất của bánh khiến khách du lịch đến Đài Loan không thể không nếm thử.
Theo lời kể của người dân địa phương, “cha đẻ” của món bánh mỳ hấp dẫn này là một đầu bếp trẻ người Đài Loan. Anh sáng tác ra nó khi đang du học ẩm thực tại phương Tây.
Ban đầu anh không hề nghĩ đến việc sẽ đặt cái tên đầy tang tóc cho sản phẩm của mình nhưng một ngày kia, có một nhà khảo cổ thưởng thức nó và nói với các đầu bều rằng: “Trông nó giống như chiếc quan tài tôi đang khai quật vậy”.
Nghe có vẻ hợp lý vì hình thù chiếc bánh quả rất giống cỗ quan tài, thêm vào đó, chữ quan tài (Guan Cai) cũng “na ná” với chữ thăng quan tiến chức (Sheng Guan Fa Cai) nên tác giả quyết định gọi món ăn mình sáng chế ra là bánh mỳ quan tài.
Giờ đây, món ăn này trở nên rất phổ biến trên khắp vùng lãnh thổ này. Một lát bánh mỳ dày được thêm vào tạo nên hình dáng như một chiếc hộp có nắp đậy, được nướng giòn và rưới đầy sốt hải sản, ngô và nấm. Mỗi “cỗ quan tài” ngon lành này chỉ có giá 20 nhân dân tệ.
Ngoài món bánh mỳ nghe hơi “rợn người” này, Đài Loan còn có rất nhiều món ăn, thức uống đặc trưng khác đầy sức cuốn hút với thực khách.
Trà sữa trân châu
Trà trân châu xuất hiện ở Đài Loan vào khoảng những năm 1980 với tên tiếng Anh là “bubble tea”. Một chủ quán trà người Đài Loan đã thêm hương trái cây, các loại sirô, khoai lang tẩm đường, hạt trân châu vào trà sữa, tạo nên một món thức uống mới đầy hấp dẫn.
Trà trân châu gồm trà, bột sữa, hạt trân châu được làm từ bột sắn và các loại hương trái cây tùy theo ý thích của người uống.
Điểm thú vị trong pha chế trà sữa trân châu là nó phải được lắc đều, tạo thành một lớp bọt mỏng nổi trên bề mặt. Nếu ai đã có sẵn “niềm đam mê” với trà sữa thì khi đến Đài Loan, không thể không thưởng thức món thức uống đặc biệt này ngay trên quê hương của nó.
Đậu hũ thối
Tương truyền vào đời vua Khang Hy, có một thư sinh nghèo đi thi mấy lần vẫn không đỗ đạt. Lộ phí đã cạn, anh không thể về nhà và phải ở lại kinh thành chờ kỳ thi năm sau. Để mưu sinh, anh quyết định làm đậu hũ bán. Khi mùa hạ tới, đậu hũ bị ế nhiều khiến anh vô cùng lo lắng. Anh chợt nảy ra ý định cắt nhỏ đậu hũ, cho vào một cái chum và ướp muối. Thật bất ngờ, vài ngày sau mở ra thấy đậu hũ tỏa một mùi vị khó tả, sau khi mạnh dạn nếm thử anh cảm thấy rất ngon và bắt đầu mang loại đậu hũ đặc biệt đó ra bán. Kể từ đó đậu hũ thối được lan truyền rộng rãi.
Ngày nay, đậu hũ thối trở thành món ăn gây nghiện cho rất nhiều người. Những viên đậu hũ thối được rán giòn và rưới nước sốt chua ngọt, có vị mát và bề mặt mềm mại như caramen. Đối với những người nghiện đậu hũ thối thì mùi hương này lại là tiêu chuẩn đánh giá mức độ ngon của món ăn: càng nặng mùi càng ngon.
Món đậu hũ thối được bán khá nhiều ở chợ đêm Rao He, thành phố Đài Bắc.
Xôi ống
Nếp ngon được vo sạch rồi được nhồi vào ống tre cùng với thịt lợn, trứng và nấm. Khi được hấp ở nhiệt độ cao, hỗn hợp trên sẽ quyện vào nhau, cộng thêm hương vị của tre tươi, tạo nên một món ăn độc đáo và tinh tế.
Để có thể thưởng thức những ống tre xôi thơm ngon với hương vị đặc trưng này, khách du lịch phải đến với thị trấn miền núi xa xôi Wulai bởi chỉ có những ống tre được thu hoạch vào mùa đông hàng năm tại đây mới đủ tiêu chuẩn để làm nên món xôi đặc sản.
Trứng chiên hàu
Đây là món ăn thể hiện sự màu mỡ của đảo Đài Loan. Nó là sự kết hợp của những chú hàu thơm ngon từ đại dương kết hợp với những sản vật của đất liền.
Phần trứng gà tươi ngon đóng vai trò lớp vỏ bọc hoàn hảo cho những chú hàu, đồng thời bột khoai tây được thêm vào để tăng cường độ dẻo. Vào năm 2007, món ăn này đã đại diện cho Đài Loan tham gia cuộc thi “Món ăn ngon nhất thế giới”.
Món này còn được gọi là thực phẩm của tình yêu, giúp các quý ông dồi dào sinh lực. Đây là món ăn ưa thích của những cặp mới cưới.
Bánh gạo Mochi
Đây là món bánh được ưa thích tại Đài Loan. Món bánh gạo Mochi truyền thống được làm bột gạo nếp với nhân đậu đỏ, được lăn qua bột đậu phộng. Theo thời gian, người dân Đài Loan đã sáng tạo thêm nhiều hương vị mới như: mứt dâu, mứt trà xanh, bơ lạc…
Sức hút từ những viên bánh dẻo ngọt làm từ bột gạo nếp này lớn đến mức có hẳn một bảo tàng dành cho nó. Đó là bảo tàng bánh Mochi hoàng gia.
Vịt Thưởng Nghi Lan
Đây là món đặc sản của riêng thôn Nghi Lan và từ lâu cũng đã là hình ảnh đại diện cho nền ẩm thực Đài Loan. Xuất phát của món ăn này từ thôn Nghi Lan. Do hồi xưa, nơi đây có rất nhiều vịt béo tốt nên họ thường phơi khô và ướp muối. Tuy nhiên, hương vị khó quên chính là ở gia vị và cách chế biến vô cùng phức tạo của món ăn nổi tiếng này.
Thịt vịt được ướp cùng tương hoặc những loại gia vị đặc biệt, sau đó sẽ được dùng mía nướng thay cho than, như vậy sẽ có một hương vị vô cùng thơm ngon. Sau khi nướng xong, thịt vịt được ướp hoặc xông khói một lần nữa rồi để khô. Thông thường thịt vịt được để qua cả mùa đông cho thấm đủ gia vị. Như vậy mới gọi là Vịt Thưởng đặc biệt và đủ chất lượng.
Bánh tiêu
Với thành phần chính là bột mỳ được nặn thành chiếc “túi” đựng bên trong thịt lợn ướp tiêu đen thơm ngon, bánh tiêu là món quà vặt quen thuộc nhất ở chợ đêm Rao He.
Khi được nướng chín trên bếp than, hương thơm ngào ngạt của tiêu đen khiến cho không vị khách du lịch nào có thể dừng lại ở chiếc bánh thứ nhất.
Nhục viên
Nhục viên được tin rằng xuất hiện lần đầu tiên tại Bắc Đẩu trấn, Chương Hóa, Đài Loan và người sáng tạo ra nó là Phạm Vạn Cư. Phạm sáng chế ra loại bánh này như là một giải pháp tình thế cho nạn khan hiếm lương thực ở Bắc Đầu sau khi vùng này vừa hứng chịu một trận lũ lụt lớn. Từ đó, món bánh nhục viên đã được truyền khắp Đài Loan.
Chương Hóa và Tân Trúc là nơi nổi tiếng nhất với nhục viên này. Tại Chương Hóa, nhục viên được chiên nhiều dầu, trong khi ở Tân Trúc được hấp, đem lại cho mỗi địa phương một hương vị riêng.
Nhục viên được gói trong một lớp vỏ phía ngoài được làm bằng bột khoai mỳ, bột gạo, bột khoai tây và nước. Nhân gồm thịt heo, nấm, măng và các thành phần khác.
Nguồn: Báo Đất Việt