Bánh lá, chả tôm là hai món khác nhau, nhưng chúng thường được xếp thành cặp đôi chung đĩa như một món ăn trên các bàn tiệc. Sự kết hợp này vừa đẹp mắt vừa tạo nên khẩu vị hài hòa; thành thói quen ăn bánh lá phải có chả tôm.
Bánh lá khác với bánh nậm, mặc dù đều gói lá chuối hay lá don và phải hấp hơi. Đối với dân sành điệu thì biết ngay bánh “lá” mỏng hơn bánh “nậm”, chỉ dùng tôm làm nhân, còn bánh nậm thì nhân vừa thịt bằm và tôm bằm.
Nguyên liệu làm bánh lá chỉ có hai thứ là bột gạo và tôm. Bột gạo hòa cùng nước pha thêm chút bột mì (sắn) và một chút muối. Bắc lên bếp, đun nhỏ lửa quậy đều tay cho đến khi bột hơi đặc vừa sống vừa chín, đem xuống cho một chút dầu ăn vào quậy đều. Lấy khăn gói ủ nóng bột.
Tôm rửa sạch bóc vỏ, bằm nhỏ, cho vào chảo nóng đã phi hành đảo đều, nêm gia vị, tiêu, nước mắm, xào đến khi tôm săn lại.
Phết bột lên lá chuối đã được lau khô, cho chút dầu lên dao, miết bằng mặt, để lớp tôm làm nhân ở giữa, gói lại. Đem hấp khoảng 15 phút, bánh chín lấy ra để nguội.
Lột tôm ngâm nước muối, xả sạch cho trắng con tôm, vắt thật khô, một ít mực để tạo độ dòn và đâm nhuyễn cùng lòng trắng trứng, nêm gia vị. Để tạo màu hồng đẹp mắt lại béo, bùi, ngon người ta áo trên miếng chả tôm một lớp tròng đỏ trứng, sau đó hấp hơi, chín đều là được.
Bánh lá ăn với chả tôm, khi ăn có thể cuộn bánh lá lại từng cuộn tròn và gói miếng chả tôm màu hồng bên trong. Bánh lá không nên ăn quá nóng mà phải để hơi nguội cho đến khi mình bánh chắc, dễ lóc, dễ lột ăn mới ngon, ngoài ra chiếc bánh cũng dễ cuộn tròn lại, không bị bấy hoặc bể ra.
Miếng chả tôm ăn cùng bánh lá được cắt thành hình thoi. Chả tôm giòn do tôm còn tươi, không mềm nhão vì pha nhiều bột. Bên cạnh là chén nước mắm ớt xé. Bánh lá chả tôm là món ăn nhẹ, ai đã một lần thưởng thức sẽ khó quên.
Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn