Dường như mỗi làn điệu quan họ thắm tình mượt mà đã hòa quyện trong từng chiếc bánh khúc, nên chiếc bánh làng Diềm cũng đậm đà thủy chung như muốn níu chân “người ơi, người ở đừng về…”.
Chẳng biết từ khi nào bánh khúc làng Diềm (Yên Phong, Bắc Ninh) lại nổi tiếng và thu hút khách du lịch gần xa như thế, chỉ biết rằng từng chiếc bánh tròn nhỏ như nắm xôi ấy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mảnh đất Kinh Bắc này.
Khi những người nông dân kết thúc vụ thu hoạch lúa cũng là lúc mùa rau khúc bắt đầu mọc. Chẳng ai trồng rau khúc mà nó cứ âm thầm mơn mởn mọc lên ở những luống cày, bãi phù sa màu mỡ. Loài cây có màu xanh và hơi óng ánh nhũ bạc ấy đã dâng hiến cho mảnh đất Kinh Bắc này một món quà quê quý giá mang tên chính loại lá độc đáo làm ra nó- đó là bánh khúc làng Diềm ngày nay.
Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút: hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.
Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với hai hình thù khác nhau, hình tròn như chiếc bánh rán hoặc hình tai voi. Dù được nặn bằng hình thù nào thì vỏ bánh cũng được dát rất mỏng và không bị lộ nhân.
Để làm nên những chiếc bánh khúc nhỏ xinh, đòi hỏi phải có sự cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo của người xưa truyền lại.
Trước tiên là việc hái rau khúc ngoài đồng. Theo kinh nghiệm, muốn bánh khúc có hương vị thơm đặc trưng nên chọn rau khúc có bản nhỏ, dày bụ, màu bạc, được hái lúc ra hoa là tốt nhất, bởi hoa khúc càng già thì hương vị bánh càng đậm.
Xưa kia gạo nếp làm bánh khúc là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng và phải được chọn lựa kỹ, bởi nếp ngon bánh mới mềm và dẻo, nhưng ngày nay khi giống nếp cái hoa vàng trở nên khan hiếm thì người làm bánh cũng có thể thay bằng loại gạo khác.
Bột làm bánh không phải hoàn toàn là gạo nếp mà theo tỉ lệ 8 gạo nếp 2 gạo tẻ. Gạo tẻ sau khi đem ngâm được giã nhuyễn với rau khúc, tỉ lệ gạo và lá làm bánh cũng là một bí quyết để có được nồi bánh như ý, bởi nếu nhiều gạo quá bánh khúc sẽ không có mùi vị đặc trưng của lá khúc, hay lượng gạo không đủ bánh sẽ thiếu đi độ kết dính.
Nhân bánh khúc làm bằng đậu xanh bỏ vỏ, ngâm bở, đem đồ chín tới, giã thật mịn rồi viên lại bằng quả trứng gà, thêm miếng thịt ba chỉ hạt lựu và chút hạt tiêu cho dậy mùi. Sau khi dàn mỏng lớp vỏ bao quanh kín nhân bánh, nhẹ nhàng xếp những nắm xôi vào chõ như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại được rắc một lớp gạo nếp đã ngâm kỹ, cả đáy và miệng nồi phủ lá chuối xanh cho thơm. Sau đó đậy vung chặt đun đều lửa, bánh chín sẽ có một lớp áo xôi khoác bên ngoài trông rất hấp dẫn.
Người dân nơi đây vẫn thường nói với nhau rằng bánh khúc làng Diềm là sự kết hợp tuyệt vời của các sản vật thiên nhiên, từ cái dẻo thơm của nếp cái hoa vàng, vị bùi của đỗ xanh sánh quyện cùng vị béo của thịt ba chỉ. Tất cả được dung hòa bởi vị mát lành, nồng ấm của một loại rau làm nên hương vị đặc trưng của bánh – rau khúc.
Bánh khúc là thứ quà có thể giúp người ta đỡ đói lòng khi lỡ bữa. Có lẽ với nhiều người bánh khúc chẳng có gì là lạ nữa, nhưng để ăn một chiếc bánh khúc ngon, nhớ đời thì chẳng đâu bằng bánh khúc làng Diềm.
Thưởng thức bánh khúc khi còn nóng cùng với muối vừng hay muối lạc mới thấy hết được hương vị rất riêng của nó, thứ hương vị tự nhiên của ruộng đồng được kết hợp một cách khéo léo, tài tình gửi trọn trong tấm bánh bé nhỏ. Và khi thưởng thức người ta chỉ có thể thốt lên “Ôi hương đồng cỏ nội quê mình là đây”.
Nguồn: TTO