- Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam, sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, là một trong 3 đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
- Phân chia hành chính gồm 6 quận, 2 huyện
- Địa lý với diện tích 1.285,4 km²
- Dân số 2011 tổng cộng 951.700 người
- Mật độ 740 người/km²
Khu du lịch Bà Nà – Núi Chúa:
Cách thành phố Đà Nẵng chỉ 15 km đường chim bay về phía Tây, (đường bộ dài 48 km) núi Bà Nà hùng vĩ cao 1.482 m. Người Quảng Nam còn gọi là núi Chúa. Cùng với Bạch Mã, Thừa Thiên, LangBiang, Đà Lạt, Phan Si Pang ở Sapa, ngay từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng núi Bà Nà thành khu nghỉ mát lý tưởng và sang trọng.
Trải qua nửa thế kỷ, vì tình hình chiến tranh, khu du lịch này bị bỏ quên. Hơn 200 biệt thự và con đường đèo ô tô có thể lên tận đỉnh bị cây rừng phủ lấp….
Nhưng ngày nay, Bà Nà trở lại là khu du lịch hấp dẫn với ưu đãi của thiên nhiên: một ngày có đủ 4 mùa trong năm, và được coi là Đà Lạt thứ hai ở Trung bộ.
Chiêm ngưỡng thắng cảnh trên tàu cao tốc Greenlines – Đà Nẵng:
Đà Nẵng đẹp và thơ mộng không còn xa lạ với những du khách thích tìm hiểu và khám phá. Tuy nhiên, du lịch tới Cù Lao Chàm thì không phải ai cũng có cơ hội được khám phá. Đặc biệt, du khách có dịp ngắm nhìn cảnh vật từ trên tàu cao tốc Greenlines.
Đến Đà Nẵng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những danh thắng nổi tiếng làm mê lòng người. Sau khi khởi hành từ “Viện Bảo tàng Chăm”, tàu lướt sóng qua cầu quay sông Hàn. Hai bên bờ thành phố lùi dần, mở ra trước mắt cảnh tượng trời mây đẹp lung linh huyền ảo. Từ trên thuyền, bạn sẽ thoả sức ngắm biển Tiên Sa, mũi Nghê Sơn Trà, hòn Chão Hải Vân…
Bãi Bụt:
Chỉ cần 20 phút xe máy từ trung tâm thành phố người Đà Nẵng đã có mặt ở Bãi Bụt, một thắng cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng bên chân sóng biển Đông, dưới chân ngọn Sơn Trà. Hơn 3 năm nay, địa danh Bãi Bụt đã trở nên quen thuộc với khách du lịch nội địa cũng như nước ngoài.
Trong sức hút của Bãi Bụt, ngoài vẻ đẹp của núi và biển, khí hậu mát lành và các món hải sản tươi sống, phải kể đến đóng góp của 2 ngôi nhà có đường nét kiến trúc độc đáo được xây dựng bằng chất liệu gỗ đá hài hòa với bối cảnh tự nhiên của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh quen thuộc: Hồ Xuân Bổn, Mỹ Dũng. Đó cũng là nơi thường xuyên trưng bày tác phẩm của họ.
Như là cái nhìn lại một chặng đường của Hồ Xuân Bổn, ở đây có thể gặp những tác phẩm từng đoạt giải thưởng quốc tế như Ôm cả trời mây, Người bạn trung thành… Nhưng hơi thở cuộc sống vẫn là dòng chảy chủ đạo trong ảnh nghệ thuật của anh với những khoảnh khắc bắt gặp trên đường thiên lý như Chợ quê, Xóm Chồ… Có thể nói Hồ Xuân Bổn là tay máy say mê bắt giữ bố cục của thiên nhiên mà không phải lúc nào cũng bày dọn sẵn. Và sự phát hiện của anh thường nghiêng về vẻ đẹp trữ tình xao xuyến, chẳng hạn Dáng dừa, Biển cạn… Dễ nhận ra rằng Hồ Xuân Bổn tha thiết với miền sơn cước rực rỡ lễ hội như bức Rượu cần, nhưng không tránh khỏi nặng lòng trước những sắc màu còn ảm đạm nơi rẻo cao: Ý kiến của rừng!
Một dự án đầu tư vào khu du lịch Bãi Bụt đã khởi động. Mong rằng các nhà đầu tư hãy giữ lấy khu trưng bày ảnh nghệ thuật này để du khách đến với Bãi Bụt có thể chia sẻ ký ức dọc đường của Hồ Xuân Bổn, Mỹ Dũng qua ngôn ngữ ảnh nghệ thuật và thưởng thức bữa tiệc ánh sáng, sắc màu, bố cục ấy trong âm thanh lao xao cây rừng Sơn Trà, trong tiếng sóng biển Đông cồn cào Bãi Bụt bất tận.
Đi lặn ‘bụi’ ở Ghềnh Bàng – Đà Nẵng:
Ít ai biết rằng mặt nước bãi biển hoang sơ Ghềnh Bàng (Đà Nẵng) lại ẩn chứa nhiều san hô và cá biển đủ màu sặc sỡ. Nơi đây là một địa điểm rất thú vị cho những ai khoái du lịch “bụi” và những người trẻ tuổi có chút “máu” mạo hiểm.
Được lặn biển luôn là ước mơ của những người mê khám phá. Cái cảm giác được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới thuỷ cung rực rỡ toàn san hô và các loài thuỷ ngư thật khó có gì có thể so sánh được. Nên một nơi thiên nhiên hoang sơ như Ghềnh Bàng lại trở thành điểm đến thú vị và ít tốn kém.
Dọc bãi biển dài hơn 2 km là hàng nghìn tảng đá lớn nhỏ với đủ hình dáng, ôm bọc lấy bãi đá là cây cối um tùm xanh mướt. Theo lời cư dân bản địa thì “Cứ bơi ra đó mà lặn thôi, nhiều san hô đẹp lắm”.
Thế nhưng để ra được khỏi bãi đá không phải là chuyện đơn giản. Hì hụi trèo qua những tảng đá lớn nổi rõ trên mặt nước, vừa đặt chân xuống nước “đội quân” du lịch “bụi” đã gặp ngay những tảng đá chìm bám đầy hà sắc như dao cạo, tuồng như thiên nhiên muốn bảo vệ những cảnh quan xinh đẹp của mình trước ánh mắt tò mò của con người. Hệt như dò mìn vậy, người đi trước mò mẫm từng bước một để tránh đá, người đi sau quan sát để tránh những chỗ “kẻ dẫn đường” lỡ sa chân. Để ý một chút sẽ thấy cát trắng phau, êm mượt bọc quanh những tảng đá “bẫy” này. Vượt qua hơn 20m “gian khổ”, cuối cùng những bàn chân đau nhức vì hà đâm cũng đặt được lên khu vực cát mịn, lúc này nếu đứng thẳng, nước biển đã ngập ngang ngực người lớn. Lao mình xuống làn nước màu ngọc bích chẳng khó khăn gì để phát hiện ra những dãy san hô lớn nhỏ ẩn hiện dưới làn nước nông trong vắt.
San hô nơi đây không nhiều màu sắc như san hô ở Nha Trang, nhưng cũng đủ hấp dẫn với một tour du lịch khám phá. Khi lặn xuốnng nước, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những đàn cá thia, cá nàng đào đủ sắc màu và những con ốc biển lạ mắt bám dưới gốc san hô nữa…
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn:
Dường như ai từng biết đến Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người muốn xem nó như là biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo, thơ mộng, chùa chiền và hang động, cây cỏ và tiếng chuông chùa, sóng vỗ và những dằng dặc nghìn trùng… cách không xa trung tâm thành phố, Ngũ Hành Sơn từ lâu đã thật sự là một cõi thiên thai dành cho du khách.
Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng đã từng đến đây. Ông đã tự mình đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên như Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long… đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất hết biết bao nhiêu thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, giữa những lo toan quốc kế dân sinh, trong tâm hồn của con người này, cảnh trí Ngũ Hành Sơn đã chiếm một phần quan trọng như một nỗi tự hào về một miền đất xinh đẹp.
Nơi đây, các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động. Những di tích văn hoá lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,… Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.
Cũng như nhiều địa danh khác, những ngọn núi này bao bọc quanh mình nó rất nhiều những huyền thoại khác nhau. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng lãng cổ tích của những câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn cái ý vị mà ít nơi nào có được. Trong tư duy triết học của Trung Hoa, Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Con số 5 là con số cực kỳ quan trọng trong tư duy và trong đời sống phương Đông. Nhìn như thế, trong sự trùng hợp ngẫu nhiên, 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự trong mình nó đã hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường.
Bán đảo Sơn Trà:
Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Trong dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố.
Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ… cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ; dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau… nên còn có tên là Tiên Sa. Trên đỉnh Sơn Trà, vừa tận hưởng không khí mát dịu, trong lành của biển và núi, vừa phóng tầm mắt ra xa, toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, rặng Bà Nà – Núi Chúa… như thu gọn vào trong tầm mắt của mỗi người.
Và cũng tại đây, du khách có thể đếm thăm con suối Đá thơ mộng bên chân núi, hòa mình vào dòng nước mát lạnh của biển, ngắm nhìn những bãi cát vòng quanh bán đảo sạch sẽ và mịn màng, nước triều đều đặn lên xuống hàng triệu năm bào mòn và lau sạch bóng những tảng đá chồng chất ven bờ, dừng chân tại Bãi Bụt yên tĩnh với những khu nhà nhỏ xin xắn để nghe sóng vỗ hoặc dõi theo cánh bay của những con chim yến đã đi làm tổ hướng về các bờ đá chênh vênh.
Và ngay dưới chân núi, với những bãi san hô tuyệt đẹp, đầy màu sắc sẽ là nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch lặn.
Đèo Hải Vân:
Trên con đường xuyên Việt ra Bắc vào Nam, Hải Vân luôn luôn là một địa danh ấn tượng. Đây là đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển.
Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Hơn 6 thế kỷ trước, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Hiện nay, đèo Hải Vân là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng.
(Sưu tầm Internet)