Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa cổ, được xây từ thời Lý – thường gọi là chùa La vì toạ lạc tại thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là một điểm du lịch văn hoá tâm linh đang được khách du lịch trong và ngoài nước lui tới ngày một đông.
Ngôi chùa nằm trên nền thắng địa mà núi sông khéo kết thành hình chim phượng. Chùa nằm ngay mắt phượng (phượng nhãn). Tiền diện là nơi hợp lưu của sáu cửa sông, sóng nước mênh mang vẫn gọi là “Lục đầu giang”. Phía sau với núi Cô Tiên làm điểm tựa. Bên tả có núi Huyền Đinh, Côn Sơn ôm lấy. Bên hữu thì núi Nham Biền, Thiên Thai bao bọc. Thật đúng nơi sơn thủy hữu tình, cảnh sắc nên thơ.
Kiến trúc hiện tại của chùa về cơ bản là kiến trúc của thời Lê trung hưng, màu thời gian còn ghi dấu lên lớp mái ngói rêu phong, những đầu đao cong vút uốn lượn. Khu vực vườn chùa vẫn còn nhiều gốc đại thụ hàng trăm năm nay vẫn thâm nghiêm rợp bóng. Phía trước thấp thoáng hàng cau ẩn hiện trong sương sớm như hiện từ cổ tích.
Bên chùa, những rặng tre xanh mướt rì rào trong gió, làm bạn với bến sông lao xao sóng vỗ. Cảnh thiền vốn đã tĩnh lặng, lại càng thêm u trầm khi vọng lại những tiếng chuông chùa, tiếng gõ mõ tụng kinh… Trải qua biết bao lần binh đao, lửa khói, không ít lần trùng tu lớn nhỏ, nhưng ngôi chùa vẫn giữ lại được vẻ uy nghi, cổ kính của một “đại danh lam cổ tự”.
Vốn nằm ở đầu mút nối Đồng bằng sông Hồng với miền rừng núi Yên Tử, chùa nằm trên đường truyền tải đạo Phật xuống Đồng bằng sông Hồng. Đức Vua Trần Nhân Tông, với huệ nhãn tinh tường, mang nặng thiền tâm đã sớm nhận thấy vị thế quan trọng của địa thế nơi đây. Về sau, khi xuất gia nhập Phật môn, sáng lập và trở thành vị Tổ sư đệ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, ngài đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm nơi đào tạo tăng ni phật tử cho cả nước.
Đến nay chùa vẫn còn giữ lại được nhiều di sản văn hoá quý báu. Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật với trên 3.000 bản lẻ do các vị thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau. Các ván khắc mộc bản kinh Phật ở đây đều được chế tác từ gỗ thị, bởi đặc tính loại gỗ này mịn, dai, khó cong vênh.
Đây là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm khắc ngược trên các mảnh ván gỗ từ thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX mang nhiều nét độc đáo, riêng biệt. Đây là bộ sưu tập cổ vật mang tính toàn vẹn, nguyên gốc và độc bản. Nếu mất mát hoặc hư hại thì không thể thay thế được, vì hiện nghề khắc in mộc bản chữ Hán, chữ Nôm đã thất truyền. Hơn thế, đây lại là nguyên gốc của các kinh, sách, luật giới của dòng thiền Trúc Lâm, chưa hề chịu tác động của việc sửa chữa làm biến dạng, mà chỉ phục vụ cho việc ấn loát rồi phát hành đến tay các phật tử, độc giả.
Kinh sách được in ra từ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, thể hiện “tự lực” và “tùy duyên”. Coi Phật nằm trong chính bản thân mình, không cầu ở bên ngoài, tất cả hướng theo tôn chỉ “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, bởi vậy đã đem đến cho con người cảnh giới sự lạc quan, tin tưởng vào bản thân mà thuận theo tự nhiên…
Ngày xưa, từ những mộc bản này đã in ra thành sách dạy cho tăng ni, phật tử. Chùa Vĩnh Nghiêm thực sự là nhà xuất bản lớn, đồng thời là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên và lớn nhất VN. Ngày nay, cũng qua kho mộc bản này, tư tưởng dòng thiền đã vượt ra khỏi biên giới: Hòa thượng Thích Thanh Từ – người đã xây dựng được 18 thiền viện trên thế giới (Mỹ: 10, Australia: 5, Canada: 2, Pháp: 1) với hàng vạn phật tử tu theo Thiền phái Trúc Lâm đã dùng toàn bộ bản rập kinh Phật kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm biên soạn thành bộ “Thích Thanh Từ toàn tập” gồm 30 tập để làm giáo trình giảng dạy kinh Phật, truyền bá rộng rãi tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm khắp thế giới. Hòa thượng Thích Huyền Diệu – người đầu tiên xây chùa Việt Nam Phật quốc tự tại Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya) ở Ấn Độ và Lâm Tỳ Ni (Lumbini) ở Nepal – cũng phát triển tư tưởng Phật giáo từ kho mộc bản này.
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO Việt Nam đề cử công nhận là di sản tư liệu thế giới. Khi hồ sơ được chuyển tới trụ sở UNESCO ở Paris (cuối tháng 3.2010), Bộ Ngoại giao tổ chức thông cáo báo chí, truyền thông đăng tải, giới thiệu về chùa Vĩnh Nghiêm, kho mộc bản. Do đó, khách tham quan về chùa Vĩnh Nghiêm chiêm ngưỡng kho mộc bản đã tăng lên rất nhanh, nhất là lượng khách du lịch từ nước ngoài.
Đến với chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài việc được tận mắt chiêm ngưỡng kho mộc bản vô giá, thưởng ngoạn non xanh nước biếc của một vùng quê bình dị, khách du lịch còn được lắng bụi trần, trở về với cái tâm khảm sâu trong tiềm thức, trở về với “chốn tổ”… bởi thế mà chùa có tên gọi là Vĩnh Nghiêm.
Nguồn: Báo Lao Động