An Giang là tỉnh có dân số đông nhất đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam.
Phân chia hành chính: Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thành phố (thành phố Long Xuyên), 02 thị xã và 08 huyện trong đó bao gồm 56 xã, phường và thị trấn.
Diện tích địa lý: 3.536,7 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 2.151.000 người
Mật độ: 608 người/km²
Làng dệt thổ cẩm Châu Giang
Thổ cẩm Châu Giang không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hoá Chăm với các đường nét lạ độc đáo với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: xàrông, khăn choàng, nón, áo khoác…
Thổ cẩm Châu Giang là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Từ Tp Long Xuyên, bằng nhiều phương tiện đường thuỷ, khách du lịch có thể đến cù lao Ông Hổ, thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây có đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi nhà cổ.
Khu tưởng niệm xây dựng 5/1997, hoàn thành 8/1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên khuôn viên 1.600m², cạnh ngôi nhà cổ của gia đình Bác. Đền thờ kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý. Vị trí trang trọng có tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phía trên bao lam là rồng cuốn thư mang dòng chữ vàng “Chủ tịch Tôn Đức Thắng”, hai bên bao lam chạm hình cây trúc, phía dưới là cá chép đỡ bao lam. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).
Ngôi nhà cổ là nơi Chủ tịch đã sống thời thơ ấu, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng năm 1887, kiến trúc hình chữ “Quốc”, khung cột sàn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m. Phía sau ngôi nhà này có 4 ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu và vợ chồng người em trai của Bác Tôn. Ngôi nhà này được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích tháng 12/1989.
Đối diện với đền thờ là nhà lưu niệm, trưng bày hiện vật, tư liệu hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Bước qua cửa có hai câu đối: “Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh sứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc hải, Tôn Đức Thắng dạng tiếng non sông”.
Chùa Giồng Thành
Chùa được hòa thượng Trần Minh Lý xây dựng lần đầu vào năm 1875 bằng vật liệu tre lá đơn sơ, đến nay trải qua 4 lần tu sửa lớn, lần sửa chữa gần nhất là vào năm 1970 nhưng vẫn tọa lạc trên nền cũ thuộc xã Long Sơn anh hùng (Phú Tân – An Giang).
Nhìn từ bên ngoài, chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ với mái tháp có hai tầng hình phễu, trang trí nhiều họa tiết hoa văn trang nhã nhưng về đại thể, chùa Giồng Thành là khối kiến trúc hài hòa theo phong cách Á – Âu với lối xây dựng theo hình chữ “song hỷ”, gồm 3 gian, mái lợp bằng ngói móc, trên cột chánh điện có vẽ hình rồng. Về tên gọi chùa Giồng Thành, theo một số tài liệu cho biết là xuất phát từ chỗ chùa được xây trên nền đất của hào thành triều Nguyễn.
Chùa Giồng Thành được nhiều người biết đến như địa chỉ đỏ của phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Tại đây vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, tổ chức Kèo Vàng, Kèo Xanh của Phan Xích Long đã nhóm họp để thu hút người yêu nước chống thực dân Pháp, mở đầu cho hàng loạt hoạt động yêu nước sau này mà đỉnh cao là việc nuôi dưỡng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – trong những ngày đi truyền bá chủ nghĩa yêu nước chân chính cho đồng bào (1928 – 1929). Trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng, chùa Giồng Thành tiếp tục là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Khu 8, Trung ương cục miền Nam. Đặc biệt nơi đây từng là chỗ trú ngụ an toàn cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong những năm tháng kháng chiến đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụỵ nhào như: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt….
Trước kia, hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười (âm lịch), khách thập phương đến viếng và lễ chùa rất đông. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, ngày 19/5 hàng năm được xem như ngày hội của nhà chùa với nhiều hoạt động mang tính chất văn hóa truyền thống đặc sắc để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Chùa Xà Tón
Đối với đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang, chùa là nơi thờ Phật, là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ những phong tục, tập quán, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền; nơi thanh niên và bà con dân tộc Khmer đến tu học để trở thành người có tri thức, đức hạnh và chăm chỉ lao động.
Các vị cao niên người Khmer và các vị sư sãi ở đây cho biết, chùa Xà Tón đã được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Lúc đầu, chùa được dựng bằng gỗ, lợp lá, nền đất. Ngày xưa vùng Tri Tôn còn hoang vu, rậm rạp, dân cư rất thưa thớt. Trên những ngọn cây to cao nhiều cành, nhiều lá có từng đàn khỉ (Xvay) đu vào nhau, nối đuôi nhau mà chuyền đi (ton). Bà con Khmer dựng chùa thờ Phật ở đây và đặt tên chùa là Xvay-ton (biến âm thành Xà Tón cho dễ đọc).
Năm 1896 và 1933, chùa Xà Tón được xây dựng lại bằng gạch ngói, cột bằng gỗ câm-xe, nền chùa đắp cao 1,8m được xây bằng đá xanh. Giống như các chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Xà Tón cũng theo cùng một quy cách bố cục và kiến trúc thống nhất. Chính điện chùa Xà Tón nằm ở trung tâm khu đất của chùa, được xây theo hướng đông tây có nóc nhọn và hai mái cong gợi hình ảnh nằm dài uốn cong của rắn thần Naga, tượng trưng cho sự bất diệt, dũng mãnh. Mái chính điện được dựng cao dần theo tam cấp, lợp ngói đỏ, xanh, vàng, trông rực rỡ dưới nắng. Chung quanh ngôi chính điện là các dãy tháp, kiểu thức thanh nhã tinh tế, vút dần lên cao, với các tượng nhỏ chung quanh và trên đỉnh là tượng thần Bayon bốn mặt bằng đá (thần sáng tạo). Trong các tháp này là hài cốt đã hỏa táng của các nhà tu hành ở chùa. Phía trước chùa có hồ lớn trồng hoa sen, hoa súng; bên trái chùa là hàng dừa trĩu quả và các cây cổ thụ cành là là rủ bóng xuống hàng tháp. Trong ngôi chính điện có tượng Phật lớn ngồi trên bệ cao. (Chỉ có một tượng Phật cao gần mái đặt ở chính điện). Trên các bức tường chung quanh có nhiều hình vẽ kể lại cuộc đời của Phật và các môn đồ, nhưng nay đã phai màu. Đằng trước tượng Phật còn có nhiều tượng nhỏ bằng bạc, bằng gỗ khá đặc sắc. Chính điện là nơi hành lễ, thuyết pháp, còn nơi học, nơi ở của các vị sư là những dãy nhà khác, có phần nhỏ hơn nhưng cũng có hai mái cong gập lại, có nóc nhọn và có hình tượng thần rắn Naga.
Hằng năm ở chùa Xà Tón có 5 ngày hội lớn: Lễ hội Chol Chhnam Thmay là lễ năm mới vào tháng Tư; lễ Pisát Bôchia là lễ nhớ ơn Phật, lễ Phật sinh vào rằm tháng Tư âm lịch; lễ Chol Neasa là lễ cấm ba tháng sư không ra khỏi chùa (từ rằm tháng Sáu đến rằm tháng Chín âm lịch); lễ Pha Chum Bênh, còn gọi là Đôlta là lễ thanh minh cúng ông bà, lễ tỏ lòng biết ơn tổ tiên; lễ Kà Thận là lễ sắm quần áo cho sư sãi, sắm vật dụng cho chùa hay cho trường làng. Vào những ngày đó, bà con Khmer đến chùa lễ Phật rất đông vui.
Những ngôi chùa Khmer như ngôi chùa Xà Tón với hình tượng rắn thần Naga – biểu tượng cho sự Bất diệt, với các ngôi tháp có tượng thần Bayon bốn mặt – thần sáng tạo là những nét độc đáo, cổ kính của các làng Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ.
Di tích quản cơ Trần Văn Thành
Quản cơ Trần Văn Thành là người có công chỉ huy đánh giặc Xiêm quấy nhiễu biên giới phía tây ở thế kỷ 19. Sau này, ông gia nhập đạo Phật, vừa lập trại giúp tín đồ sản xuất, sinh sống và vừa xây dựng các căn cứ hiểm yếu chống giặc sau này.
Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh miền Tây, trong đó có An Giang, ông cùng các tín đồ ấp Láng Linh chiêu mộ thêm nông dân, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1867-1873) và đặt căn cứ trong rừng Bẩy Thưa, giữa vùng Láng Linh lầy lội, hiểm trở.
Lễ vía ông hàng năm được tổ chức long trọng vào ngày 21 và 22 tháng 2 âm lịch theo nghi thức cổ truyền để tưởng niệm và ôn lại một thời chiến đấu oanh liệt của Đức cổ quản và nghĩa quân.
Núi Cấm
Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Trên núi có chùa Phật Lớn, miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam,… là điểm du lịch rất hấp dẫn.
Đặc sản vùng này có nhiều nhưng nổi bật hơn cả là đường Thốt Nốt và xoài Thanh Ca. Theo sách của các nhà phong thuỷ, cụm Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ, chính là nơi khí âm dương hội tụ mà núi Cấm là một Long huyệt. Núi Cấm có rất nhiều loại hoa quả, chim muông cộng với rừng cây, thác nước, hang động thật kỳ thú và hấp dẫn.
Ngay tại chân núi có một ngôi miếu thờ Sơn Thần mà ai qua đó cũng dừng lại thắp nhang. Hai bên đường lên núi là rừng cây rậm rạp. Vượt qua đoạn đường lên núi vất vả, đổi lại khách du lịch được thấy một khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống các tảng đá xếp chồng lên nhau làm bọt nước bắn tung tóe, tiếng thác đổ vang vọng trong gió núi, lúc xa lúc gần; những khối thạch nhũ lâu năm ở động Thuỷ Liêm tạo thành những hình thù làm cho người xem tha hồ tưởng tượng, những đám mây bay ngang che khuất ánh mặt trời tạo cảm giác những hình thù vừa thấy như biến mất… Tiếp tục cuộc hành trình du khách tới chùa Phật Lớn. Ngôi chùa nằm trong không gian tĩnh mịch, chìm đắm bên những gốc bồ đề cổ thụ nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ.
Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc, trắng toát cao gần 34 mét, tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách. Cách đó khoảng 100 mét là chùa Vạn Linh với ngôi bảo tháp bề thế. Du khách có dịp trèo lên đỉnh tháp chùa Vạn Linh đắm mình với phong cảnh Núi Cấm.
Không có cái dáng dấp hùng vĩ và trùng điệp như những dãy núi ở Trường Sơn – Tây Nguyên, nhưng ngoài vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, Núi Cấm ở An Giang còn là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất phía tây nam của Việt Nam.
Cù Lao Giêng
Với cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ của một vùng sông nước, cá lội tung tăng cùng vô vàn chủng loại cây trái đặc sản của miền phù sa nước ngọt, Cù Lao Giêng còn có những công trình văn hoá và mỹ thuật tiêu biểu như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia. Hiện nay, bên trong còn thờ những bài vị của các anh hùng liệt sĩ cách mạng dưới hình thức tôn giáo để che mắt giặc trong thời chiến tranh.
Cù Lao Giêng còn là quê hương của người nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng – một “Võ Thị Sáu” kiên cường của An Giang. Trên đất này còn có di tích nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) được xây cất từ năm 1877, lớn nhất ở Việt Nam và có trước nhà thờ Ðức Bà ở Sài Gòn chừng vài tháng.
Tương truyền nơi đây xưa kia là một trong những nơi đóng binh của nhà Nguyễn. Ðặc biệt trong khu này có danh lam Thành Hoa Tự, một ngôi chùa với lối kiến trúc sinh động, trên tường được chạm nổi những hoa văn mang nhiều hình ảnh đặc trưng mô phỏng cảnh yên bình thoát tục được khắc hoạ bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Chợ Thủ. Thành Hoa Tự còn gọi là “chùa Ðạo Nằm”, được xây dựng vào năm 1953 do sư tổ hoà thượng pháp danh Tịnh Nghiêm, quê ở làng Hoà An (Tx. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) về đây trụ trì. Ðến năm 1954 thì Ông viên tịch, hưởng thọ 51 tuổi. Hiện nay, trong Bảo Tháp cạnh chùa có đặt thi hài Ông. Là một tu sĩ phật giáo không sáng tác kinh kệ riêng, cũng không đưa ra một phương thức tu tập mới, nhưng hành trang và cuộc đời của ông hầu như đã gắn với nhiều huyền thoại khá ly kỳ từ cung cách sinh hoạt đến dáng đi, giọng nói đều biểu hiện một cốt cách phi phàm!. Và đặc biệt hơn là… nằm!.
Có lẽ ông là người chiếm kỷ lục về thời gian nằm ở nước ta. Trong suốt 9 năm khổ luyện ông đã nằm quay mặt vào vách theo tư thế của Ðức Phật Thích Ca được gọi là “cửu niên diện bích”. Có phải chăng, đây là điều “kỳ lạ” để cho mọi người từ các nơi đổ về hành hương chiêm bái!. Vào ngày giỗ (từ 15 đến 16 tháng 2 âm lịch và các ngày rằm lớn trong năm) có lúc lên tới 10 ngàn lượt người.
Cù Lao Giêng đã từng là cứ địa của Xứ Uỷ Nam Kỳ, nơi phát đi những tín hiệu và mệnh lệnh đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân ngay từ thời thuộc Pháp. Và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra không ít những người con anh hùng trung dũng của quê hương An Giang. Phải chăng từ những di tích và di sản truyền thống quí báu tự ngàn xưa còn để lại cùng những cảnh quan nên thơ hữu tình ấy đã vẫy gọi khách du lịch hành hương từ mọi miền đổ về đây tham quan, thưởng ngoạn.
Rừng tràm Trà Sư
Nơi đây, có những cây tràm trên 10 tuổi đã cao 5 – 8m, tán rừng xanh thẳm là nơi sinh sống nhiều loài chim nước, cá. Ðặc biệt, có 12ha tràm bảo vệ nghiêm ngặtcho nhiều loài chim, cò với số lượng hàng trăm nghìn con cư ngụ. Mặt nước trong rừng Trà Sư còn là nơi thích hợp cho nhiều loài cá sinh sôi.Hiện nay, Du lịch An Giang đang khai thác điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn này. Rừng tràm Trà Sư là một mô hình khá thích hợp với những vùng đất phèn trồng tràm, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nghiên cứu bảo tồn môi trường sinh thái trong lành.
Chùa Tây An
Chùa Tây An (Tây An cổ tự) do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng (1820) là Tổng đốc Nguyễn Nhật An xây dựng theo lời nguyện của ông khi được triều đình phái đi Cao Miên. Theo lời nguyện này, nếu ông đi thành công, khi về sẽ dựng một ngôi chùa thờ Phật tại chân núi Sam. Cất chùa xong bằng tre, ông thỉnh vị Hoà thượng đầu tiên là Nguyễn Văn Giác, pháp hiệu là Hải Tịnh đến trụ trì. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), chùa lại thỉnh thêm một vị Hoà thượng nữa tên là Ðoàn Minh Huyền, pháp hiệu là Pháp Tang đến trụ trì. Vị Hoà thượng sau này ngoài việc tu hành còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân rất hiệu quả nên sau khi ông mất, đồng bào suy tôn hoà thượng với danh hiệu là Phật thầy Tây An và danh hiệu này vẫn được nhân dân gọi đến ngày nay.
Chùa được sửa chữa nhiều lần theo thời gian trụ trì của các vị hoà thượng. Chùa kiến trúc theo kiểu Ấn Ðộ với các vật liệu bền chắc như gạch ngói, xi măng. Chính điện là ngôi chùa chính giữa cao 18m, thờ tượng Phật Thích Ca, còn hai bên là lầu chiêng và lầu trống. Trước chùa có 3 vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, hai cửa hai bên có hai bảng đề “Tây An cổ tự”, bên trong tam quan là sân chùa có một cột cờ cao 16m. Dưới bậc thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, vai có đắp nổi hai vị thần tiên ngồi bên trên mặt trăng lưỡi liềm, hai bên là hai hành lang, phân biệt cho tín đồ nam nữ. Chùa theo phái Ðại thừa, có tới 11.270 tượng lớn nhỏ bằng gỗ. Ngày rằm tháng riêng, rằm tháng 7 và tháng 10 âm lịch là ngày nhân dân đến cúng lễ đông nhất.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng nổi tiếng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 06/6/1829.
Khung cảnh uy nghiêm của lăng Thoại Ngọc Hầu gợi cho du khách những hoài cảm về người xưa, về công đức của những bậc tiền bối, gây ấn tượng sâu xa, luyến tiếc cho những gì không thể tìm lại được của quá khứ.Phía trước lăng là khoảng sân rộng. Hai bà vợ của ông được chôn cất tại đây. Bà Nhất phẩm Châu Vĩnh Tế chôn phía tay phải, bà Nhị phẩm Trương Thị Miệt chôn phía tay trái, mộ ông nằm chính giữa. Trong Long Đình là bản sao bia “Thoại Sơn”, bia “Vĩnh Tế Sơn”. Trước Long Đình là hai con nai đắp bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng, hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1m, cao 3m. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn. Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Vào lăng, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng hai mét cùng những áng văn chương lộng lẫy, với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế… gợi lại hình ảnh nước non một thời oanh liệt.
Thoại Ngọc Hầu được triều đình nhà Nguyễn phong tước hầu cử vào khai phá trấn giữ An Giang. Ông đã tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi về ở các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên… Ông là người tổ chức đào kênh Thoại Hà (con kênh có bề ngang 20 tầm – chừng 51m, dài 31.744m) và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km. Đào hai con kênh ấy trong thời kỳ công cụ lao động thô sơ và bằng tay, chân quả là việc làm thần kỳ. Sau khi hoàn tất việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ trình triều đình Huế, được vua khen ngợi ban sắc chỉ cho lấy tên người mà đặt cho tên kênh là Thoại Hà (kênh Thoại) và lấy tên vợ chính của ông là Vĩnh Tế đặt cho kênh Vĩnh Tế. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho dựng bia làm kỷ niệm: bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời trước ngày dựng bia, Ông cho nhiều toán người đi dọc hai bờ kênh, từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả và hữu khuôn lăng. Trong buổi lễ long trọng dựng bia kỷ niệm có đọc bài “Tế nghĩa trũng văn”, do Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ. “Nghĩa trũng văn” là bài thơ tế cô hồn tử sĩ, khắc ghi công lao và sự thương tiếc đối với binh sĩ, sưu dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh…
Du khách có dịp đến Thất Sơn – An Giang nhớ đến viếng thăm lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, ngắm dòng kênh Vĩnh Tế xanh biếc hiền hòa.
Miếu Bà Chúa Xứ
Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền tây nam của Việt Nam, giáp với biên giới Cam-pu-chia.
Núi thấp có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống, ít cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.
Dưới chân núi có Lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), một tướng triều Nguyễn có nhiều công đức với nhân dân địa phương trong việc tổ chức đào hai con kênh quan trọng ở An Giang: kênh Vĩnh Tế dài 90km nối sông Hậu với Hương Thành (Hà Tiên) và ra vịnh Thái Lan; kênh Chỉnh An nối sông Hậu qua sông Tiền; đắp lộ lớn Châu Ðốc – Long Xuyên. Tất cả những công trình quan trọng ấy đều hoàn tất trước khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (1858). Tại đây còn có miếu bà Chúa Xứ, chùa Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân…
Cụm di tích núi Sam
Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi Sam cùng các ngọn núi khác vùng Bảy Núi là những điểm nhấn tạo nên cảnh quan tự nhiên rất thơ mộng ở miền tây nam của Việt Nam, giáp với biên giới Cam-pu-chia.
Núi thấp có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống, ít cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.
Dưới chân núi có Lăng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), một tướng triều Nguyễn có nhiều công đức với nhân dân địa phương trong việc tổ chức đào hai con kênh quan trọng ở An Giang: kênh Vĩnh Tế dài 90km nối sông Hậu với Hương Thành (Hà Tiên) và ra vịnh Thái Lan; kênh Chỉnh An nối sông Hậu qua sông Tiền; đắp lộ lớn Châu Ðốc – Long Xuyên. Tất cả những công trình quan trọng ấy đều hoàn tất trước khi Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (1858). Tại đây còn có miếu bà Chúa Xứ, chùa Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân…
Núi Sam là điểm du lịch nổi tiếng ở các tỉnh miền tây Nam Bộ.
Khu di tích lịch sử Tức Dụp
Tức Dụp – người Việt gọi là Tức Dụp – theo tiếng Khmer có nghĩa là “nước đêm”. Tức Dụp có độ cao khoảng 300m và chu vi khoảng 2.200m. Nhìn từ xa, núi Cô Tô và đồi Tức Dụp trông giống chim phượng hoàng nên còn gọi là Phụng Hoàng Sơn.
Chuyện kể rằng, ngày xưa thuở ban sơ của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt hay đùa nghịch. Một hôm các nàng bày trò ném đá xuống chân núi. Ðá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy qua lòng đụn đá rơi. Từ đó suối và đồi có mặt trong trời đất, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ.
Một ngày nọ, những người mở đất đến đây. Gặp mùa nắng hạn, khát cháy ruột gan, đêm nằm không ngủ được, bỗng nghe tiếng nước róc rách phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Tên gọi Tức Dụp (nước đêm) có từ đó và ngọn đồi trở thành chốn linh thiêng. Vào các ngày lễ, sư sãi và già làng mang lễ vật đến cúng thánh thần, trời đất rồi rước nước suối về phum sóc.
Hiện thực về sơn đạo thép
Tây Nam Bộ là vùng đất mầu mỡ phù sa, lắm tôm nhiều cá, mọi thứ ở đây đều được thiên nhiên ưu đãi. Ðồi Tức Dụp được trời đất ban tặng cho một hệ thống hang động chi chít như tổ ong vĩ đại, thông nhau bởi muôn vàn ngõ ngách và kẹt đá. Từ những năm 1940, Tức Dụp đã là nơi ẩn náu của các chiến sỹ cộng sản. Khi bị ruồng bố nhân dân đem bánh trái đến trước cửa hang cúng Trời Phật, nhưng thực ra là tiếp tế cho cách mạng.
Từ năm 1960, Tức Dụp là căn cứ của huyện uỷ Tri Tôn và tỉnh uỷ An Giang, là chiếc cầu quan trọng đưa các binh đoàn miền Bắc vượt Trường Sơn qua Cam-pu-chia toả xuống khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Nhiều đám cưới của bộ đội và du kích đã được tổ chức tại đây.
Phát hiện ra Tức Dụp – đầu não của căn cứ cách mạng, Mỹ nguỵ đã tập trung đánh phá liên tục như muốn san bằng cả ngọn đồi. Bom đạn không chỉ trút xuống Cô Tô mà còn lan rộng đến nhiều vùng phụ cận, biến cả vùng “trắng” sơ xác tang thương. Dưới những trận bom bi, bom cay, bom râu, bom bướm, bom dầu, bom xăng… đến pháo bầy, pháo chụp, Tức Dụp không còn một mảng rong rêu hay một sợi dây leo chùm gửi; không còn loài thú hay côn trùng nào sống nổi. Tức Dụp như là đất chết. Vậy mà các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên trì bám trụ giữ lấy địa bàn.
Du lịch Tức Dụp ngày nay
Ðã hơn 30 năm từ ngày Tức Dụp im tiếng súng, nhưng các trận đánh phá của kẻ thù vẫn còn hằn sâu dấu tích trên mặt đá. Chỉ cỏ cây là tươi xanh trở lại. Ðồi Tức Dụp cách biên giới Cam-pu-chia 10km, ngày nay là điểm du lịch kỳ thú. Bốn mùa nước trong xanh và rực rỡ hương sắc của các loài hoa như trong chuyện cổ tích. Ðường lên đồi được lát đá phẳng và đẹp. Các hang động và hàng trăm ngõ ngách vẫn nguyên vẹn như xưa, mở rộng vòng tay gọi mời bè bạn. Đến với Tức Dụp, bạn nhớ ăn mặc gọn nhẹ, đi giày thể thao, nhớ mang theo đèn pin vì trong hang có nhiều đoạn tối, nào là hang của Ban Chỉ huy Quân sự, Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y, nào là hang cơm nguội. Lại có hội trường C6 với sức chứa trên 150 người. Mỗi hang là một vẻ độc đáo với những khối đá đan xen tài tình đủ kiểu. Sàn nơi này là đá, nơi kia là ván và tre ghép lại. Không khí lúc nào cũng mát rượi thông thoáng như có máy điều hoà.
Sau vài giờ tham quan, bạn có thể trở ra theo đường cũ xuống thăm nhà bảo tàng. Nhưng với chút máu phiêu lưu, bạn có thể tự khám phá hàng chục lối đi riêng, vượt qua nhiều mỏm đá. Bạn sẽ tự thưởng cho mình cái thú len lỏi, tìm tòi và sau cùng đứng trên những tảng đá sừng sững như một viên tướng chỉ huy trận mạc đang quan sát toàn cảnh xung quanh. Bạn tha hồ hít thở không khí trong lành và thu vào tầm nhìn bao cảnh quan kỳ thú mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Tức Dụp.
Khu di chỉ Óc Eo
Đây là một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến: là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm.
Ngoài khu vực được xem là “thành phố Óc Eo” có diện tích 4.500ha, còn có một vài vùng ở miền Tây Nam Bộ như: Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Kiên Giang… mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ.
Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Sưu tầm Internet